Thứ Bảy – Tuần 26 – TN1

Spirit74

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Bảy – Tuần 26 – TN1

Bài đọc: Bar 4:5-12, 27-29; Lc 10:17-24.

1/ Bài đọc I: 5 Can đảm lên nào, hỡi dân Ta! Hỡi những kẻ mang danh Ít-ra-en!

6 Các ngươi có bị bán cho dân ngoại, không phải là để bị diệt vong.
Các ngươi có bị trao cho quân thù âu cũng vì đã chọc giận Thiên Chúa.

7 Quả thật, khi tế lễ cho ma quỷ thay vì cho Thiên Chúa,
các ngươi đã khiêu khích Đấng tạo dựng nên mình.

8 Thiên Chúa vĩnh cửu, Đấng nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đành quên lãng;
còn Giê-ru-sa-lem, mẹ sinh thành các ngươi, các ngươi làm cho mẹ phải buồn sầu;

9 buồn vì chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa
giáng xuống trên đoàn con, và mẹ đã than thở: Hãy nghe đây, các thành lân cận của Xi-on,
Thiên Chúa đã giáng xuống trên tôi một nỗi buồn thê thảm.

10 Vì tôi đã thấy cảnh lưu đày Đấng Vĩnh Hằng giáng xuống trên con trai con gái của tôi.

11 Xưa tôi vui mừng nuôi dưỡng chúng, nay đành phải buồn sầu ứa lệ để cho chúng ra đi.

12 Chớ ai vui mừng vì thấy tôi goá bụa, bị mọi người bỏ rơi;
tôi phải sống đơn độc như thế này chỉ vì con cái tôi phạm tội, lìa bỏ Lề Luật của Thiên Chúa:

27 Các con ơi, can đảm lên nào! Hãy cứ kêu lên cùng Thiên Chúa,
vì Đấng đã giáng hoạ sẽ lại nhớ đến các con.

28 Xưa các con chỉ nghĩ đến chuyện xa lìa Thiên Chúa, thì một khi trở về,
các con phải nỗ lực gấp mười mà tìm kiếm Chúa. 29 Vì Đấng đã giáng hoạ xuống các con, chính Người sẽ giải thoát mà ban cho các con niềm vui vĩnh cửu.

2/ Phúc Âm: 17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”

18 Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.

19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.

20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

22 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!

24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học hỏi nơi Kinh Thánh để hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.

Trong vũ trụ có quá nhiều bí nhiệm: có những bí nhiệm con người cần phải học hỏi và cần thời gian để nhận ra, như trái đất xoay chung quanh mặt trời, các định luật về chuyển động của Newton; nhưng cũng có những mầu nhiệm con người không thể hiểu nổi nếu Thiên Chúa không mặc khải, như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Cứu Chuộc, hai bản thể của Đức Kitô… Khi con người không hiểu hay chưa hiểu, các mầu nhiệm tự nó vẫn có trong vũ trụ; chứ không phải chỉ khi con người hiểu biết, các mầu nhiệm mới bắt đầu có.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruch muốn con cái Israel hiểu biết về mầu nhiệm đau khổ: khi Thiên Chúa để quân thù tiêu diệt quốc gia, phá hủy Đền Thờ, và mang dân chúng lưu đày, không phải vì Ngài không thương dân, không phải vì Ngài không có quyền để cứu dân; nhưng là để dân có cơ hội nhận ra tội lỗi của mình và ăn năn trở lại với Thiên Chúa. Nếu không có đau khổ, con cái Israel sẽ không nhận ra tình thương Thiên Chúa, sẽ sống xa Ngài, và sẽ phải chịu đau khổ đời đời. Trong Phúc Âm, các môn đệ vui mừng khi thấy mình có uy quyền chữa lành và khuất phục ma quỷ; Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về mầu nhiệm Nước Trời. Các ông nên vui mừng hơn vì các ông đã hiểu được mầu nhiệm Nước Trời, và tên các ông được ghi trên trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy cố gắng hiểu mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời.

 

1.1/ Tại sao con cái Israel bị lưu đày? Lưu đày là cơ hội cho con cái Israel nhận ra hai điều:

(1) Tội của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Tiên-tri Baruch nêu rõ lý do của lưu đày: “Các ngươi có bị trao cho quân thù âu cũng vì đã chọc giận Thiên Chúa. Quả thật, khi tế lễ cho ma quỷ thay vì cho Thiên Chúa, các ngươi đã khiêu khích Đấng tạo dựng nên mình.” Thiên Chúa để những đau khổ xảy ra không phải vì Ngài không yêu thương họ; nhưng để họ nhận ra những tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Tiên-tri Baruch cũng như các tiên-tri khác khuyên dân chúng để họ đừng thất vọng, đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa; nhưng biết nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại: ”Can đảm lên nào, hỡi dân Ta! Hỡi những kẻ mang danh Israel! Các ngươi có bị bán cho dân ngoại, không phải là để bị diệt vong.”

(2) Tình thương Thiên Chúa dành cho họ: Thiên Chúa sửa phạt dân chúng không phải vì ghét bỏ họ; ngược lại, Ngài sửa dạy vì Ngài yêu thương họ. Tiên-tri Baruch ví Thiên Chúa như một người Cha và Jerusalem như một người mẹ, phải đau khổ thế nào khi phải sửa phạt con cái mình: ”Thiên Chúa vĩnh cửu, Đấng nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đành quên lãng; còn Jerusalem, mẹ sinh thành các ngươi, các ngươi làm cho mẹ phải buồn sầu; buồn vì chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên đoàn con, và mẹ đã than thở: Hãy nghe đây, các thành lân cận của Sion, Thiên Chúa đã giáng xuống trên tôi một nỗi buồn thê thảm.”

1.2/ Phải nỗ lực quay trở về với Thiên Chúa: Một khi con cái Israel đã nhận ra tội lỗi của họ, họ cần phải quay về với tình yêu Thiên Chúa và với tình mẹ Jerusalem: ”Các con ơi, can đảm lên nào! Hãy cứ kêu lên cùng Thiên Chúa, vì Đấng đã giáng hoạ sẽ lại nhớ đến các con. Xưa các con chỉ nghĩ đến chuyện xa lìa Thiên Chúa, thì một khi trở về, các con phải nỗ lực gấp mười mà tìm kiếm Chúa. Vì Đấng đã giáng hoạ xuống các con, chính Người sẽ giải thoát mà ban cho các con niềm vui vĩnh cửu.” Đau khổ chỉ dành cho những đứa con chưa nhận ra tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cha mẹ, và tình yêu của những người chung quanh; một khi con người đã hiểu biết và sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, đau khổ không còn cần thiết nữa.

2/ Phúc Âm: Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

2.1/ Vui mừng thực sự vì tên anh em đã được ghi trên trời: Nhóm Bảy Mươi (Hai) trở về, tường thuật những gì họ đã thực hiện, và hớn hở nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”

Phản ứng lạc quan và vui mừng của các môn đệ khi thành công là điều có thể hiểu được; nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo các ông phải đề phòng sự lạc quan này: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Chúa Giêsu chỉ rõ cho các ông thấy đâu là lý do chính của sự vui mừng, vì các ông được bảo đảm phần rỗi linh hồn. Tự hào về những thành công theo cách thức thế gian rất nguy hiểm, vì Satan có thể dùng tính tự hào này mà phá hủy công trình của Thiên Chúa và kéo các ông xa Chúa.

 

2.2/ Mầu nhiệm Nước Trời chỉ được hiểu bởi những kẻ bé mọn: Trình thuật kể: ”Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.””

(1) Bé mọn là điều kiện cần thiết để hiểu mầu nhiệm: Danh từ “bé mọn” không chỉ được dùng để chỉ trẻ thơ, mà còn chỉ những người chưa có kinh nghiệm nhiều trên đời. Khác với quan niệm của người thế gian cho rằng phải khôn ngoan thông thái để hiểu biết những điều kỳ diệu trong trời đất; Chúa Giêsu đòi khán giả của Ngài phải có lòng khiêm nhường, cởi mở, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm. Một tâm hồn kiêu ngạo, khép kín, và chỉ tin nơi trí tuệ của mình sẽ không thể hiểu được những mầu nhiệm của Thiên Chúa.

(2) Người khôn ngoan thông thái không nhận ra: Nhiều người có thể dựa vào lời Chúa Giêsu nói ở đây để biện hộ cho Thuyết Tiền Định; vì nếu Chúa giấu hay Chúa không mặc khải, làm sao con người có thể biết được. Chúng ta biết đây chỉ là một lối nói của người Do-thái, khi họ quy định mọi sự về cho Thiên Chúa. Chúa rao giảng Tin Mừng là cho tất cả mọi người; nhưng không phải mọi khán giả đều hiểu được những gì Chúa nói. Dụ ngôn Người Gieo Giống là một điển hình; nếu khán giả không chịu dọn dẹp, chuẩn bị tinh thần đón nhận Lời Chúa, làm sao họ có thể hiểu và sinh lợi ích được?

(3) Không phải mọi người đều có cơ hội như các môn đệ: Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” Các môn đệ được may mắn sống đồng thời với Chúa, nhưng chúng ta cũng được may mắn nghe những gì các thánh ký tường thuật. Nếu Chúa cho nhiều, Ngài cũng đòi lại nhiều.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Chúng ta cần khiêm nhường học hỏi để hiểu biết những mầu nhiệm trong trời đất. Một thái độ kiêu hãnh sẽ ngăn cản chúng ta trong việc hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa.

– Hiểu biết mầu nhiệm mới chỉ là bước đầu, chúng ta cần phải sống theo mầu nhiệm mặc khải, chúng mới sinh lợi ích cho cuộc đời chúng ta.

Skip to content