Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Bay tuan 34 TN.mp3{/audio}
Thứ Bảy, Tuần XXXIV TN, Năm Chẵn
Bài đọc: Rev 22:1-7; Lk 21:34-36.
1/ Bài đọc I:
1 Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên.2 Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại.3 Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người.4 Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ.5 Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.6 Thiên thần nói với tôi: “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật; và Đức Chúa là Thiên Chúa ban Thần Khí linh hứng cho các ngôn sứ, đã sai thiên thần của Người đến tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến.”7 – “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến! Phúc thay kẻ tuân giữ các sấm ngôn trong sách này!”
2/ Phúc Âm:
34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,
35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.
36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chuẩn bị cho hạnh phúc mai sau
Việc gì chúng ta làm cũng cần phải chuẩn bị: việc càng quan trọng đòi sự chuẩn bị phải lâu dài và kỹ càng hơn. Ví dụ: chuyện kết hôn là chuyện trăm năm, nó đòi con người phải chuẩn bị và suy xét kỹ càng xem có thể chung sống với nhau suốt đời không? Việc chung hưởng hạnh phúc mai sau với Thiên Chúa là việc còn quan trọng hơn cả chuyện trăm năm, vì nó là chuyện đời đời, nên việc chuẩn bị phải kéo dài cả đời và kỹ càng hơn nữa.
Các Bài đọc hôm nay đều hướng lòng chúng ta về cuộc sống đời sau. Bài đọc I cho chúng ta nhìn thấy trước hạnh phúc và vinh quang muôn đời chúng ta sẽ được hưởng. Những điều này phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng vượt qua mọi bắt bớ và gian khổ để làm chứng cho Thiên Chúa. Phúc Âm đề phòng chúng ta đừng để sự lười biếng và các cám dỗ của thế gian làm lòng chúng ta ra nặng nề, khiến chúng ta không còn hăng hái chuẩn bị cho Ngày ra gặp Thiên Chúa. Để có thể giữ lòng hăng hái, chúng ta cần để cho Lời Chúa thấm nhập tâm hồn và dành thời giờ để cầu nguyện với Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những điểm son của cuộc sống đời sau
1.1/ Cuộc sống trường sinh bất tử: Tác giả mô tả Thành Giêrusalem trên trời là nơi ở của cuộc sống thần linh với 2 điểm nổi bật:
(1) Nước trường sinh: “Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có Nước Trường Sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên.” Thiên Chúa và Con Chiên thay thế Đền Thờ trở thành nguồn duy nhất (Rev 7:17) của Nước Trường Sinh. Truyền thống Cựu Ước và Tân Ước đã nhiều lần đề cập đến Nước này: (Jn 4:14, Psa 46:4, Jer 2:13, Joe 3:18, Zech 14:8).
(2) Cây Sự Sống: “Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống: sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại.” Cây Sự Sống đã được tác giả đề cập tới trong (Rev 2:7), và cũng được đề cập đến trong Eze 47:12. Cây Sự Sống ở đây phải được dùng ở số ít để chỉ “lọai cây mang sự sống,” và có nguồn gốc từ ban đầu của lịch sử con người (Gen 2:9, 3:22). Lá của Cây Sự Sống có khả năng chữa lành các bệnh tật; con người sẽ không phải đau khổ do bệnh tật gây nên nữa.
1.2/ Thiên Chúa sẽ cai trị và ở với dân mãi mãi: Cuộc sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa được tác giả mô tả bằng 2 cách: tiêu cực (tội và hình phạt) và tích cực (sống bên Chúa mãi):
(1) Sẽ không còn đêm tối và những lời nguyền rủa: Sẽ không còn cám dỗ làm dịp cho con người phạm tội; và vì thế, con người sẽ không còn bị luận phạt bởi Thiên Chúa. Nói cách khác, tội lỗi không còn thống trị con người nữa, và con người trở nên thực sự thánh thiện.
(2) Con người sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa trực tiếp, mặt đối mặt. Đây là một đặc ân cao quí, mà ngay cả Môsê cũng không được khi còn sống trên đời này: “Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong Thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ.” Truyền thống Cựu Ước tin: không ai trên đời có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống. Đặc ân “nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là” đã được Sách Thánh Vịnh đề cập tới (Psa 17:15, 42:2).
1.3/ Những thị kiến này được xác tín bởi thiên thần là những lời chân thật: Thiên thần nói với tôi: “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật; và Đức Chúa là Thiên Chúa ban Thánh Thần linh hứng cho các ngôn sứ, đã sai thiên thần của Người đến tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến.” Bằng việc bảo đảm Sách được sự linh hứng của Thánh Thần, Gioan tự nhận mình theo truyền thống của các tiên tri: ông nói những gì Thiên Chúa muốn ông nói. Sau cùng, tiếng nói vọng xuống từ Trời: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến! Phúc thay kẻ tuân giữ các sấm ngôn trong sách này!” Tiếng nói này là của Đức Kitô, Con Chiên của Thiên Chúa. Ngài cho biết Ngày Phán Xét đã gần kề (Rev 2:16, 3:11, 22:12, 20).
2/ Phúc Âm: Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.
2.1/ Những cám dỗ của thế gian: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ 2 điều có thể làm các ông xao lãng việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét:
(1) Vì chè chén say sưa: Ăn quá độ làm thân xác con người ra nặng nề và chỉ muốn ngủ. Một thân xác ù lỳ như thế sẽ không có nghị lực làm bất cứ việc gì. Uống quá độ làm con người say xỉn và con người không còn trí khôn sáng suốt để làm theo những điều hay lẽ phải. Con người phải ăn uống điều độ mới có thể giữ cho tinh thần minh mẫn nhận ra và làm những gì Chúa dạy.
(2) Vì lo lắng sự đời: Con người không thể làm tôi hai chủ: cả Thiên Chúa lẫn tiền bạc. Dĩ nhiên con người phải biết lo lắng làm việc bao lâu còn sống trong thế gian để có phương tiện sinh sống, nhưng không được dành hết thời giờ để lo lắng sự đời. Chúa Giêsu đã từng khuyên dân chúng: “Đừng làm việc để kiếm cho mình những lương thực sẽ hư nát, nhưng cho lương thực sẽ đem lại cuộc sống đời đời” (Jn 6:27).
Nếu không biết chuẩn bị sẵn sàng, “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, và Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” Lúc ấy, có muốn vùng vẫy thóat ra cũng muộn rồi.
2.2/ Sự quan trọng của việc cầu nguyện: Chúa Giêsu ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài đã nhiều lần cầu nguyện với Chúa Cha, và đã từng dạy các môn đệ cầu nguyện. Một lần nữa, Ngài khuyên các ông điều phải làm trong khi chuẩn bị cho Ngày Tận Thế: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Cầu nguyện còn làm tăng trưởng mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Khi mối liên hệ càng mật thiết bao nhiêu, con người càng hăng hái nhiệt thành cho Ngày Chúa đến.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần học hỏi để biết về cuộc sống tương lai đời đời với Thiên Chúa, vì “vô tri bất mộ.” Những hấp dẫn của cuộc sống bất tử sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta chuẩn bị ngay từ đời này.
– Nếu không, những lười biếng và cám dỗ của cuộc sống thế gian sẽ làm lòng trí chúng ta ra nặng nề, không còn tấm lòng nhiệt thành đi đón Chúa, và chúng ta sẽ hối hận khi Ngày ấy tới.
– Để giữ lòng nhiệt thành và hăng hái chuẩn bị, chúng ta cần để cho Lời Chúa thấm nhập và làm chủ cuộc đời. Một nếp sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa không thể thiếu vì nó sẽ giúp chúng ta khao khát được gặp người chúng ta yêu thương và quí mến.
HẾT NĂM PHỤNG VỤ A VÀ NĂM CHẴN
NGÀY MAI SẼ MẮT ĐẦU NĂM PHỤNG VỤ B VÀ NĂM LẺ
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}