Thứ Bảy – Tuần 34 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần 34 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Dan 7:15-27; Lk 21:34-36.

1/ Bài đọc I: 15 Tôi là Đa-ni-en, tâm trí tôi hoang mang vì những điều ấy, và những thị kiến trong đầu làm tôi xao xuyến. 16 Tôi đến gần một trong những vị đứng túc trực và xin vị ấy cho biết sự thực chắc chắn về tất cả những điều ấy. Người đã nói với tôi và giải thích cho tôi ý nghĩa các sự việc:

17 “Bốn con thú to lớn ấy tức là bốn ông vua, từ đất trỗi dậy. 18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời.”

19 Bấy giờ tôi muốn biết chắc chắn về con thú thứ tư là con thú khác hẳn với tất cả các con khác, nó rất đáng sợ, có răng bằng sắt và vuốt bằng đồng. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại. 20 Tôi cũng muốn biết chắc về mười cái sừng trên đầu nó và về cái sừng khác đã mọc lên, và ba cái đã rụng đi trước mặt cái sừng ấy; cái sừng này là cái sừng có mắt, và mồm nói những lời quái gở; nó có vẻ lớn hơn các sừng khác. 21 Tôi đang nhìn, thì cái sừng này đã giao chiến với chư thánh và đã thắng được các ngài, 22 cho tới khi Đấng Lão Thành đến và có cuộc xét xử nhằm bênh vực chư thánh của Đấng Tối Cao, cho tới khi thời đến, thời mà chư thánh nắm được vương quyền. 23 Vị đứng túc trực ấy lại nói với tôi thế này:
“Con thú thứ tư là vương quốc thứ tư sẽ xuất hiện trên mặt đất, khác hẳn với mọi vương quốc.
Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan. 24 Còn mười cái sừng kia là mười ông vua
từ vương quốc ấy trỗi dậy. Rồi một ông vua khác sẽ trỗi dậy sau mười ông kia. Vua này sẽ khác hẳn các vua trước và sẽ hạ ba vua. 25 Vua này sẽ thốt ra những lời phạm đến Đấng Tối Cao
và ngược đãi chư thánh của Người. Vua định thay đổi lịch và Lề Luật. Chư thánh sẽ bị nộp vào tay vua một thời, hai thời và nửa thời. 26 Rồi sẽ có cuộc xét xử và người ta sẽ tước quyền thống trị của vua nhằm vĩnh viễn huỷ bỏ và tiêu diệt quyền ấy. 27 Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy.”

2/ Phúc Âm: 34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,

35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.

36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!

Con người cần ý thức cuộc đời là một cuộc giao tranh liên tục với ba thù: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Kẻ thù nào cũng nguy hiểm và sức mạnh của chúng mạnh hơn sức lực con người. Làm sao để chiến đấu với ba thù mạnh sức như thế? Vũ khí của con người là tỉnh thức đề phòng và cầu nguyện.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật cuộc giao tranh với những quyền lực của thế gian và cách thức để chiến thắng. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Daniel được giải thích về những thị kiến ông nhìn thấy về 4 con thú, đặc biệt về con thú thứ tư, và cuộc chiến thắng của các chư thánh của Thiên Chúa sau triều đại của 4 con thú này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về sự bất ngờ của những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời mỗi người và ngày Ngài đến lần thứ hai. Để đối phó với những bất ngờ này, mọi người cần tỉnh thức đề phòng và cầu nguyện không ngừng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao.

1.1/ Giải thích thị kiến bốn con thú: Daniel hoang mang vì những điều ấy, và những thị kiến trong đầu làm ông xao xuyến. Ông đến gần một trong những vị đứng túc trực và xin vị ấy cho biết sự thực chắc chắn về tất cả những điều ấy. Người đã nói với ông và giải thích cho tôi ý nghĩa các sự việc: “Bốn con thú to lớn ấy tức là bốn ông vua, từ đất trỗi dậy. Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời.”

Bốn con thú tượng trưng cho bốn vương quốc cai trị vùng Cận Đông trong thời đó, là: Assyria, Babylon, Ba-tư, và Hy-lạp. Mỗi biểu tượng trong người của con vật tượng trưng cho các vị vua cai trị trong vương quốc ấy. Hai cánh của con thú thứ nhất tượng trưng cho 2 vua Assyria. Ba miếng sườn của con thú thứ hai là 3 vua Babylon: Nebuchadnezzar, Evilmerodach, và Belshazzar. Con thú thứ ba tượng trưng cho vương quốc Ba-tư, với 4 cánh là biểu tượng của 4 vua: Cyrus, Ahasuerus, Artaxerxes, và Darius người Ba-tư.

1.2/ Con thú thứ tư tượng trưng cho vương quốc Hy-lạp.

(1) Thị kiến về con thú thứ tư: “Bấy giờ tôi muốn biết chắc chắn về con thú thứ tư là con thú khác hẳn với tất cả các con khác, nó rất đáng sợ, có răng bằng sắt và vuốt bằng đồng. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại. Tôi cũng muốn biết chắc về mười cái sừng trên đầu nó và về cái sừng khác đã mọc lên, và ba cái đã rụng đi trước mặt cái sừng ấy; cái sừng này là cái sừng có mắt, và mồm nói những lời quái gở; nó có vẻ lớn hơn các sừng khác. Tôi đang nhìn, thì cái sừng này đã giao chiến với chư thánh và đã thắng được các ngài, cho tới khi Đấng Lão Thành đến và có cuộc xét xử nhằm bênh vực chư thánh của Đấng Tối Cao, cho tới khi thời đến, thời mà chư thánh nắm được vương quyền.”

(2) Giải thích về con thú thứ tư: Vị đứng túc trực ấy lại nói với tôi thế này: “Con thú thứ tư là vương quốc thứ tư sẽ xuất hiện trên mặt đất, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan. Còn mười cái sừng kia là mười ông vua từ vương quốc ấy trỗi dậy.” Con thú thứ tư tượng trưng cho vương quốc Hy-lạp. Mười cái sừng tượng trưng cho 10 vị vua cai trị vương quốc Hy-lạp.
Sau đó, “một ông vua khác sẽ trỗi dậy sau mười ông kia. Vua này sẽ khác hẳn các vua trước và sẽ hạ ba vua. Vua này sẽ thốt ra những lời phạm đến Đấng Tối Cao và ngược đãi chư thánh của Người. Vua định thay đổi lịch và Lề Luật. Chư thánh sẽ bị nộp vào tay vua một thời, hai thời và nửa thời.” Đây là lời tiên-tri nói về vua Antiochus IV Epiphanes. Ông là người rất ác độc đối với người Do-thái, bắt họ phải theo đạo của nhà vua, hủy bỏ Lề Luật, ngày Sabbath và các ngày lễ, và trừng trị những người không chịu tuân hành (x/c I Mac 1:41-64). Nhưng triều đại của ông chỉ tạm thời qua con số 3 ½ là phân nửa của con số 7. Đây là thời gian thử thách và thanh luyện của dân tộc Do-thái trước khi họ có thể đạt được chiến thắng.

1.3/ Thời kỳ của Đấng Thiên Sai: Sau thời kỳ của bốn vương quốc trần gian là thời kỳ của Đấng Thiên Sai, mà Daniel đã nói tới trong (Dan 7:9-14). Đấng Thiên Sai có hình dáng như Con Người, nhưng có nguồn gốc từ trời và lãnh quyền cai trị từ Đấng Lão Thành; và vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời. Trình thuật hôm nay củng cố thị kiến đó: “Rồi sẽ có cuộc xét xử và người ta sẽ tước quyền thống trị của vua nhằm vĩnh viễn huỷ bỏ và tiêu diệt quyền ấy. Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy.”

2/ Phúc Âm: Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.

2.1/ Những cám dỗ của thế gian: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ 2 điều có thể làm các ông xao lãng việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét:

(1) Vì chè chén say sưa: Ăn quá độ làm thân xác con người ra nặng nề và chỉ muốn ngủ. Một thân xác ù lỳ như thế sẽ không có nghị lực làm bất cứ việc gì. Uống quá độ làm con người say xỉn và con người không còn trí khôn sáng suốt để làm theo những điều hay lẽ phải. Con người phải ăn uống điều độ mới có thể giữ cho tinh thần minh mẫn nhận ra và làm những gì Chúa dạy.

(2) Vì lo lắng sự đời: Con người không thể làm tôi hai chủ: cả Thiên Chúa lẫn tiền bạc. Dĩ nhiên con người phải biết lo lắng làm việc bao lâu còn sống trong thế gian để có phương tiện sinh sống, nhưng không được dành hết thời giờ để lo lắng sự đời. Chúa Giêsu đã từng khuyên dân chúng: “Đừng làm việc để kiếm cho mình những lương thực sẽ hư nát, nhưng cho lương thực sẽ đem lại cuộc sống đời đời” (Jn 6:27).

Nếu không biết chuẩn bị sẵn sàng, “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, và Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” Lúc ấy, có muốn vùng vẫy thóat ra cũng muộn rồi.

2.2/ Sự quan trọng của việc cầu nguyện: Chúa Giêsu ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài đã nhiều lần cầu nguyện với Chúa Cha, và đã từng dạy các môn đệ cầu nguyện. Một lần nữa, Ngài khuyên các ông điều phải làm trong khi chuẩn bị cho Ngày Tận Thế: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Cầu nguyện còn làm tăng trưởng mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Khi mối liên hệ càng mật thiết bao nhiêu, con người càng hăng hái nhiệt thành cho Ngày Chúa đến.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần học hỏi để biết về cuộc sống tương lai đời đời với Thiên Chúa, vì “vô tri bất mộ.” Những hấp dẫn của cuộc sống bất tử sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta chuẩn bị ngay từ đời này. Nếu không, những lười biếng và cám dỗ của cuộc sống thế gian sẽ làm lòng trí chúng ta ra nặng nề, không còn tấm lòng nhiệt thành đi đón Chúa, và chúng ta sẽ hối hận khi Ngày ấy tới.

– Để giữ lòng nhiệt thành và hăng hái chuẩn bị, chúng ta cần để cho Lời Chúa thấm nhập và làm chủ cuộc đời. Một nếp sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa không thể thiếu vì nó sẽ giúp chúng ta khao khát được gặp người chúng ta yêu thương và quí mến.

Skip to content