Thứ Hai – Tuần 23 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần 23 – TN1

 

Bài đọc: Col 1:24-2:3; Lk 6:6-11.

1/ Bài đọc I: 24 Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.

25 Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,

26 rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.

27 Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.

28 Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.

29 Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi.

1 Quả thế, tôi muốn anh em biết tôi phải chiến đấu gay go thế nào vì anh em, vì những người Lao-đi-ki-a, và vì bao người khác chưa thấy tôi tận mắt;

2 như vậy là để họ được phấn khởi trong tâm hồn, và nhờ được liên kết chặt chẽ với nhau trong tình thương, họ đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Ki-tô,

3 trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết.

2/ Phúc Âm: 6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.

7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.

8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! ” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.

9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”

10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.

11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của các tín hữu là xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.

Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Đức Kitô là Người mang Kế-hoạch đến thành công qua việc nhập thể, mặc khải, dạy dỗ, huấn luyện các môn đệ, chịu chết để chuộc tội cho con người. Ơn cứu độ giờ đây là của mọi người, không phân biệt một ai cả. Nhưng để ơn cứu độ này hiện thực trong tất cả mọi người, họ cần tin vào Đức Kitô; và để tin vào Đức Kitô, Giáo Hội cần có nhiều nhà rao giảng. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ là các môn đệ, Giáo Hội từ từ lớn dần và lan rộng khắp nơi, cho tới con số như ngày nay, và cần phải lan rộng hơn nữa cho tới khi mọi người đều tin vào Đức Kitô. Để được như thế, mọi thành phần trong Giáo Hội đều có bổn phận phải hy sinh và nỗ lực góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc làm cho các tín hữu nhận ra và góp phần vào việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vui mừng chịu đựng đau khổ cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài cố gắng hết sức để cho Tin Mừng thấm nhập, phát triển, và sinh hoa kết trái trong cuộc đời các tín hữu. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tất tưởi rao giảng Tin Mừng và chữa lành khắp nơi, các kinh-sư và biệt-phái lại nhân danh Lề Luật của Thiên Chúa để cấm đoán Ngài không được chữa lành trong ngày Sabbath, và cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt Ngài!

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô, vì Giáo Hội, và vì anh em.

1.1/ Phaolô nhận ra trách nhiệm của mình: Trước khi có thể làm chứng cho Thiên Chúa, Phaolô cần xác tín niềm tin của mình.

(1) Phaolô nhận ra sự sai lầm của mình và nhận ra tình thương Thiên Chúa: Biến cố trên đường đi Damascus đã mở mắt cho Phaolô biết ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do-thái, mà còn mở rộng cho tất cả Dân Ngoại, qua Kế Hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về Kế-hoạch này như sau: “Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.”

(2) Lấy tình thương đáp trả tình thương: Được chữa lành khỏi mù lòa về phần xác cũng như phần hồn, Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho ông. Ông nghĩ nếu Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương mình như thế, ông phải đáp trả tình thương bằng cách làm cho ơn cứu độ được hiện thực trong tất cả mọi người. Phaolô biết mình không thể làm lại gì cho Thiên Chúa, nên chú trọng vào việc xây dựng các chi thể trong một thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội “Tôi đã trở nên người phục vụ Giáo Hội, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn.”

(3) Đâu là những gian nan thử thách mà Đức Kitô còn phải chịu? Mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng thần chết, sống lại vinh quang, và mang ơn cứu độ cho mọi người; nhưng Kế-hoạch Cứu Độ chưa hoàn tất cho đến khi mọi người đều được hưởng ơn cứu độ qua việc tin vào Đức Kitô. Để hoàn tất điều này, Đức Kitô trông chờ vào sự cộng tác của tất cả các tín hữu. Những đau khổ mà Đức Kitô còn đang phải chịu là: sự hững hờ của các tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng; những thái độ chống báng và các kế hoạch nhằm tiêu diệt đạo thánh Chúa; đời sống giữ đạo cách hời hợt của hàng giáo sĩ và các tín hữu ngăn cản việc làm chứng cho Tin Mừng; và sự chia rẽ giữa các giáo hội làm chia cắt thân thể của Đức Kitô.

1.2/ Phaolô tìm mọi cách để chu toàn sứ vụ được trao phó: Ngài nói: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi… Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” Những việc làm chứng tỏ nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Phaolô:

– Ngài rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi và trong một lúc: trong hội đường, ngoài phố chợ, trong khám đường, khi đối chất … rao giảng dù thuận tiện hay không thuận tiện.

– Giúp đỡ mọi tín hữu để họ càng ngày càng trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô: không chỉ bằng lòng với việc thiết lập các cộng đoàn, Ngài vẫn trở lại để thăm viếng khi có dịp, và viết thư để dạy dỗ và khuyên bảo mọi người.

– Lấy tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua mọi tranh chấp và ích kỷ cá nhân; để gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

2/ Phúc Âm: Phải tuyệt đối tránh tất cả những gì ngăn cản không cho Nước Chúa trị đến.

2.1/ Tranh chấp cá nhân để hưởng lợi nhuận vật chất: Trình thuật Luca kể: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu vào hội đường để giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh-sư và những người biệt-phái rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người. Hội-đường Do-thái là nơi họ tụ tập lại để học hỏi Kinh Thánh và dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa; thế mà các kinh-sư và biệt phái là những nhà lãnh đạo trong dân lại lợi dụng hội đường, giờ thờ phượng, và nhân danh Thiên Chúa để rình rập và chờ cơ hội để tố cáo người ngay lành.

Lý do tại sao họ làm như thế là vì họ ghen tị về sư khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, họ sợ đến một ngày cả thế giới sẽ đi theo Ngài! Nếu thế giới chọn đi theo Chúa Giêsu, thế giới sẽ bỏ họ. Để ngăn cản con người đừng đến với Chúa Giêsu, họ dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để tiêu diệt Ngài.

2.2/ Chúa Giêsu mạnh dạn sửa sai và tố cáo thủ đoạn của họ.

(1) Chúa Giêsu vạch ra những hiểu biết sai lầm: Chúa Giêsu thấu hiểu họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu chất vấn họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”

Ngài muốn họ trở về nguyên lý nền tảng: Lề Luật làm ra là cho lợi ích và bảo vệ đời sống con người. Nguyên tắc nền tảng của luân lý là “làm lành tránh dữ, cứu mạng sống chứ không hủy diệt.” Vì thế, không ai được nhân danh Lề Luật để giết hại hay từ chối làm điều lành trong ngày Sabbath.

(2) Chúa Giêsu can đảm làm chứng cho sự thật: Không một chút sợ hãi, Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không. Họ giận điên lên vì họ bị mất mặt trước đám đông; và giận quá mất khôn, họ không còn biết phân biệt và nhận ra sự thật nữa!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mỗi tín hữu chúng ta đều có bổn phận mang Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đến chỗ vẹn toàn, bằng cách làm cho mọi người đều có cơ hội để lắng nghe Tin Mừng.

– Chúng ta cần tránh tuyệt đối thái độ dùng Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đừng bao giờ làm cho người khác mất niềm tin vì cuộc sống phản Tin Mừng của chúng ta. Đừng bao giờ nhân danh Tin Mừng để chia cắt Nhiệm Thể của Đức Kitô.

Skip to content