Thứ Năm, Tuần 24 TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Nam Tuan 24 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Năm, Tuần 24 TN, Năm lẻ.  

Bài đọc: I Tim 4:12-16; Lk 7:36-50. 

1/ Bài đọc I: 

12 Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.13 Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ.14 Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh.15 Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.16 Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy. 

2/ Phúc Âm:                         

36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.”41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.

42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”

43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”

44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.

45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.

46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.

47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”

48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”

49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”

50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

 

 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết sống xứng đáng với ơn gọi của mình.

             

            Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên Timothy hãy sống xứng đáng với ơn gọi làm Giám-quản mà Thiên Chúa và Hội-thánh đã trao phó: phải làm cho mọi người tin cậy mình trong lời nói cũng như trong hành động; xây dựng mọi sự trên nền tảng Lời Chúa; và luôn ý thức về sứ vụ mình phải chu toàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cư xử như một người Mục Tử Nhân Lành: Ngài tha thứ và ban bình an cho chị phụ nữ nổi tiếng tội lỗi, và kiên nhẫn sửa sai người Biệt-phái chỉ biết xét đoán cách hời hợt bên ngoài.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Các đức tính quan trọng của nhà lãnh đạo Công Giáo

 

            1.1/ Nhà lãnh đạo là người chín chắn: Khi chọn nhà lãnh đạo, con người có khuynh hướng chọn những người lớn tuổi, đã chín chắn, và có nhiều kinh nghiệm. Trường hợp của Timothy là trường hợp ngoại lệ: làm Giám-quản khi tuổi vẫn còn trẻ. Vì thế, Phaolô khuyên: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ.” Để tránh bị khinh thường, Timothy cần tập luyện để trở thành người đáng tin cậy trong:

            (1) Lời nói: Phải biết cẩn thận trong lời nói và làm sao để các tín hữu tin những gì mình nói. Cần tránh nói một đàng làm một nẻo; đừng vội hứa, khi đã hứa phải giữ lời; đừng nói những chuyện nhảm nhí, tục tĩu, vô bổ. Nói có sách, mách có chứng; đừng nói mà không có bằng chứng kèm theo. Nói tóm, phải nói sự thật.

            (2) Cách cư xử: Phải biết cách cư xử đúng với mọi người: kính trên, nhường dưới; cẩn thận trong việc tiếp xúc với phụ nữ.

            (3) Đức ái, đức tin và lòng trong sạch: Yêu thương mọi người; trung thành trong ơn gọi và các mối liên hệ; và có tâm hồn trong sạch.

            1.2/ Xây dựng cá nhân và cộng đoàn trên Lời Chúa: Mỗi khoa học hay nghề nghiệp đều có một lãnh vực để chuyên chăm và đào sâu, lãnh vực của nhà lãnh đạo Công Giáo là Kinh Thánh.

            (1) Phải chú trọng đến việc học hỏi Kinh Thánh: Không biết Kinh Thánh là không biết Thiên Chúa (St. Jerome). Nếu không biết Thiên Chúa, làm sao nói về Thiên Chúa cho các tín hữu của mình? Khi không am tường Kinh Thánh, nhà rao giảng có khuynh hướng rao giảng những gì mình biết mà chẳng có liên hệ gì đến Lời Chúa.

            (2) Hiểu biết Kinh Thánh để dạy dỗ: Khi rao giảng, nhà lãnh đạo phải rao giảng Lời Chúa, chứ không rao giảng lời của mình hay của người nào khác. Phải dành địa vị ưu việt cho Lời Chúa, vì chỉ có Lời Chúa có uy quyền để giải thoát con người.

            (3) Dùng Kinh Thánh để khuyên nhủ: Nhà lãnh đạo Công Giáo không phải là nhà tâm lý hay nhà xã hội, mặc dù những lãnh vực này giúp trong việc khuyên nhủ; nhưng trước tiên nhà lãnh đạo phải dùng lời khôn ngoan của Thiên Chúa qua Kinh Thánh để giúp giải quyết vấn đề.

 

            1.3/ Ý thức ơn gọi của mình: Một sự xét mình thường xuyên sẽ giúp nhà lãnh đạo biết:

            (1) Mình đã được thánh hiến: “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh.” Phải chú trọng đến việc thánh hiến mình trước khi có thể thánh hiến người khác.

            (2) Phải nhiệt thành với ơn gọi của mình: “Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.” Cần phải thường xuyên xét mình để xem mình có còn sự nhiệt thành thuở ban đầu không, vì thời gian và nhiều va chạm dễ làm phai lạt sự nhiệt thành của nhà lãnh đạo.

            (3) Phải làm gương sáng và chu toàn nhiệm vụ: “Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.” Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn. Cuộc sống chứng nhân là dấu chỉ hùng hồn để nhà lãnh đạo làm chứng cho Thiên Chúa.

 

2/ Phúc Âm: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.

 

            2.1/ Hai phản ứng khác nhau: Trình thuật hôm nay là một ngoại lệ trong mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và những người Biệt-phái. Thường thường, chúng ta thấy luôn có sự đụng độ giữa Chúa Giêsu và họ; nhưng hôm nay, có người thuộc nhóm Biệt-phái mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Tuy nhiên, chân tướng họ dần dần lộ ra, và kết quả cũng chẳng khác gì những lần khác.

            (1) Phản ứng chân thành của người phụ nữ tội lỗi: Trình thuật kể: “Có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Biệt-phái, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” Có nhiều điều khác thường trong cách cư xử của người phụ nữ: Thông thường, người ta chỉ rửa chân bằng nước và lau bằng khăn, chị rửa chân Chúa bằng nước mắt và lau bằng tóc; người ta tỏ dấu tình yêu bằng hôn má, chị tỏ bằng hôn chân như Chúa Giêsu hôn chân các môn đệ; người ta chỉ nhỏ vài giọt dầu thơm, chị dùng cả một bình bạch ngọc. Tất cả những điều này có ý muốn nói lên lòng ăn năn chân thành, sự can đảm, và tình yêu thâm sâu của chị dành cho Chúa Giêsu.

            (2) Phản ứng của người Biệt-phái: Thấy vậy, ông Biệt-phái đã mời Chúa Giêsu liền nghĩ: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Ông không nhìn thấy tình yêu và lòng ăn năn thống hối trong tâm hồn người phụ nữ; nhưng chỉ nhìn thấy quá khứ tội lỗi và thái độ bất cẩn của Chúa Giêsu, để sẵn sàng kết án.

 

            2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Biết những gì ông đang nghĩ, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn tìm cách thuyết phục ông, bằng cách trước tiên đưa ra nguyên tắc ông phải chấp nhận, sau đó chỉ cho ông thấy sự kết án sai trái của mình.

            (1) Đưa ra nguyên tắc: Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ về hai con nợ: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”

            (2) Áp dụng vào thực tế: Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”

            (3) Chúa tha tội cho người phụ nữ: Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Là những nhà lãnh đạo tinh thần, chúng ta hãy chứng tỏ cho mọi người thấy mình biết sống khôn ngoan, nhân đức, và trung thành hoàn tất sứ vụ được trao phó bởi Thiên Chúa.

            – Đừng giam tha nhân trong quá khứ tội lỗi để kết án họ; nhưng hãy cho tha nhân một cơ hội để ăn năn trở về, như Thiên Chúa đã cho chúng ta.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content