Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Năm – Tuần 31 – TN1 – Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 14:7-12; Lk 15:1-10.
1/ Bài đọc I: 7 Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình.
8 Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa;
9 vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.
10 Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em? Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa,
11 vì có lời chép rằng: Đức Chúa phán: Ta lấy sự sống Ta mà thề: mọi người sẽ quỳ gối lạy Ta, và mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Thiên Chúa.
12 Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: 1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.
2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”
3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?
5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.
6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.
7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?
9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.
10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không ai là một hòn đảo riêng lẻ
Nhiều người nghĩ họ có thể tự lập và tự sống một mình, mà không cần nhờ vả đến ai; nhưng nếu họ chịu khó suy xét, họ sẽ thấy họ không bao giờ có thể làm điều đó. Họ không thể sống mà không có tha nhân, và càng không thể sống nếu không có Thiên Chúa. Trong sự quan phòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mỗi người đều có trách nhiệm chung để giúp đỡ lẫn nhau và lo sao cho mình và mọi người được ơn cứu độ.
Các Bài Đọc hôm nay hướng lòng con người về việc giúp đỡ và xây dựng cho nhau, thay vì xét đoán, phê bình, và luận tội nhau. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi mọi người hãy ý thức về vai trò và sứ vụ của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Trong Phúc Âm, một số các kinh-sư và biệt-phái phê bình Chúa Giêsu khi Ngài để cho những người thu thuế và tội lỗi đến gần nghe giảng và ăn uống với họ. Chúa thẳng thắn nói ra ý định của mình: Ngài đến kêu gọi những người tội lỗi và triều thần Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.
1.1/ Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa: Lý do thánh Phaolô có thể nói lên được điều này, là vì quan niệm về thần học thân thể của Ngài. Mỗi tín hữu khi chịu bí-tích Rửa Tội đã trở nên chi thể của một thân thể là Hội Thánh, với Đức Kitô là Đầu. Nếu chi thể không thể tách rời thân thể, người tín hữu cũng không thể tách rời khỏi thân thể của Đức Kitô. Một tín hữu có thể nói mình không muốn ở trong thân thể; nhưng không phải vì vậy mà anh không thuộc về thân thể. Nếu anh ý thức được sự hiện diện của anh trong thân thể của Đức Kitô, anh sẽ cố gắng xây dựng Nhiệm Thể của Ngài bằng cách làm cho mình và cho các chi thể khác ngày càng lành mạnh hơn, để toàn thân xác được khỏe mạnh. Vì Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Ngài không bao giờ chết nữa; nên người tín hữu cũng vậy. Tuy anh sẽ chết về phần xác, nhưng thân xác anh sẽ sống lại vinh hiển trong Ngày Phán Xét. Vì thế, Phaolô có thể nói với các tín hữu: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.”
1.2/ Không được xét đoán tha nhân, nhưng hãy xét mình: Cùng trong hình ảnh các chi thể của một thân thể trên, một chi thể không thể tự cho mình quan trọng hơn hết để rồi phê bình và xét đoán các chi thể khác. Mọi chi thể đều tùy thuộc vào nhau để có thể sống chung hòa hợp và làm cho thân thể lành mạnh và tăng trưởng. Vì thế, thật là điều vô ích khi một tín hữu phê bình và xét đoán người khác; nhưng lợi ích hơn nếu một người dành thời gian phê bình người khác để tự kiểm chính mình, xem coi mình có thể làm gì để đóng góp cho việc mở rộng Nước Chúa, và làm cho các tín hữu khác ngày càng tốt đẹp để cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô. Hơn nữa, người có trách nhiệm phán xét là Đức Kitô, Ngài sẽ phán xét và trả cho mỗi người xứng đáng với việc họ làm trong Ngày Phán Xét.
2/ Phúc Âm: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
2.1/ Xét đóan tha nhân thay vì xét mình cẩn thận: Một trong những xung đột chính giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là lối sống giả hình. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống với tội nhân. Trong trình thuật của Luca hôm nay, các người biệt-phái và các kinh-sư xét đóan:
– tha nhân: Họ nghĩ các người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi công khai; và họ tin những hạng người này không bao giờ được chung hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
– Chúa Giêsu: Họ nói: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Theo họ, giao tiếp với những hạng người như thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi. Họ có lý do để nghĩ như thế, vì cha ông ta cũng quan niệm: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Tuy nhiên, quan niệm này chỉ đúng với người dân thường, yếu đuối; nhưng không đúng cho bậc thánh nhân và Chúa Giêsu. Các Ngài đến để hoán cải những người yếu đuối và tội lỗi.
Trong những trình thuật khác, Chúa Giêsu đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và làm cho sạch bên trong trước rồi mới có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân. Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.
2.2/ Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng thương xót của Thiên Chúa.
(1) Tìm được con chiên lạc: Con chiên đi lạc là vì lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng những không xét lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông, cho dẫu vẫn còn 99 chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập, nhưng mừng rỡ vác chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng! Đức Kitô cũng thế, Ngài đến là để tìm kiếm các chiên lạc và đem về cùng một đàn; để chỉ có một đàn chiên theo một Chủ Chiên. Người tội lỗi cũng là con của Thiên Chúa; linh hồn của họ quí giá trước mặt Thiên Chúa, vì Người đã dựng nên họ và máu của Con Ngài đã đổ ra để cứu chuộc họ.
(2) Đồng tiền bị mất: Đồng tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng may đưa tới. Người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người đặt câu hỏi Bà có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng đồng tiền kiếm thấy!
Cả 2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa; để rồi đừng xét đoán, phê bình, và kết án tha nhân.
– Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô trên đường đi Damascus, như người mục tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn bà đi tìm đồng bạc đánh mất. Chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ tha nhân, nhất là những tội nhân để giúp họ quay trở về với Thiên Chúa.
– Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta không được quyền kết tội tha nhân như các kinh-sư và biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ.