Thứ Sáu – Tuần 10 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Sau Tuan 10 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Sáu – Tuần 10 – TN1 – Năm lẻ

 

Bài đọc: 2 Cor 4:7-15; Mt 5:27-32.

 

1/ Bài đọc I:7 Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.8 Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng;9 bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.10 Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.11 Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.12 Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.13 Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.14 Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.15 Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.

 

2/ Phúc Âm:27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mục đích của thân xác con người             

            Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi sự là cho một mục đích. Khi con người biết xử dụng tạo vật Chúa dựng nên theo như mục đích Ngài muốn, nó sẽ sinh lợi ích cho con người; nếu con người xử dụng nó trái với mục đích Thiên Chúa muốn, nó sẽ trở thành điều tai hại cho con người.

             Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong mục đích của thân xác con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận ra mục đích của thân xác là để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và mưu cầu ơn cứu độ cho chính bản thân và cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết án những ai lạm dụng những chi thể của thân xác để phạm tội ngoại tình trong tư tưởng. Ngài cũng lên án những ai không trung thành giữ giao ước hôn nhân họ đã hứa với Thiên Chúa và với người phối ngẫu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu.

1.1/ Thiên Chúa ban cho con người một thân xác có thể chịu đau khổ để diễn tả tình yêu:

            (1) Mục đích của thân xác con người: Có ít nhất ba quan niệm khác nhau về mục đích của thân xác con người:

            + Quan niệm của trường phái Epicurean: thân xác con người được dùng để thỏa mãn các dục vọng.

            + Quan niệm bi quan của Hy-lạp về thân xác: thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn; để giải phóng linh hồn, con người phải tìm mọi cách để thoát khỏi thân xác.

            + Quan niệm của Kitô Giáo về thân xác: thân xác là khí cụ Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho mọi người. Như Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài dùng thân xác của mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa và tiêu diệt sự chết cho con người; Thiên Chúa cũng ban cho mỗi người một thân xác và muốn mọi người dùng nó để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và mưu cầu ơn cứu độ cho chính họ và cho mọi người.

            (2) Tất cả các chi thể trong thân xác đều có thể được dùng để làm vinh quang Thiên Chúa: Với trí óc, con người có thể học hỏi những thánh ý cao siêu của Thiên Chúa; với miệng lưỡi con người có thể ca tụng Thiên Chúa và nói những gì Ngài muốn cho tha nhân; với trái tim con người có thể tỏ tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân; với đôi tay con người có thể săn sóc và giúp đỡ tha nhân; với đôi chân, con người có thể đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng cõi đất.

            (3) Sự mỏng giòn của thân xác và sức mạnh của Thiên Chúa: Già cả, đau yếu, bệnh tật …  làm cho con người nhận ra sự mong manh của thân xác; nhưng cũng giúp con người nhận ra sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong con người, như Phaolô nhận xét: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” 

            Thánh Phaolô, khi nhìn lại cuộc đời mình, nhất là những kinh nghiệm có được trong 3 cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, đã phải thốt lên: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.” Nếu nhìn lại cuộc đời mỗi người, chúng ta đều có thể nhận ra những kinh nghiệm như Phaolô: Đau khổ của con người đến từ mọi phía: thiên tai, chiến tranh, nghèo đói, mọi thứ bệnh tật, công việc làm ăn, tranh chấp trong gia đình và ngoài xã hội; nhưng tại sao chúng ta vẫn sống và có thể vượt qua mọi đau khổ này? Thưa là vì chúng ta có sức mạnh và hy vọng nơi Thiên Chúa. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ cho sống lại và cho chung hưởng vinh quang bất diệt với Ngài.

1.2/ Chịu đựng gian khổ để chinh phục mọi người về cho Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, khi chịu Phép Rửa Tội là chúng ta cùng chịu dìm mình trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô; để rồi sẽ cùng được sống lại và chung phần vinh quang với Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô diễn tả điều này như sau: ”Chúng tôi luôn mang nơi thân mình Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.”

            Giống như Chúa Giêsu chịu gian khổ trong Cuộc Thương Khó là để chết thay cho con người và đem lại sự sống cho họ, các môn đệ cũng phải chịu đựng gian khổ để rao giảng Tin Mừng và chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhận ra ý nghĩa cao cả của đau khổ khi ngài viết: ”Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em…  Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.” Sở dĩ các môn đệ có thể can đảm chịu gian khổ ngay cả cái chết, vì họ tin vững mạnh sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: ”Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.”

2/ Phúc Âm: Thân xác con người trong ơn gọi gia đình

2.1/ Ngoại tình trong tư tưởng: Hai yếu tố chính cấu thành Bí-tích Hôn Phối: (1) để hai người yêu thương nhau; và (2) để sinh sản con cái cho Thiên Chúa. Tình dục không bao giờ là mục đích chính của hôn nhân, nhưng chỉ là hậu quả của tình yêu giữa hai người. Hiểu thần học về hôn nhân như thế, khi con người lấy nhau, mục đích chính là vì yêu thương: vì yêu mến Thiên Chúa, họ tỏ tình yêu thương cho nhau và cho con cái. Họ dùng thân thể mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho nhau. Vì thế, họ phải trung thành yêu thương nhau suốt đời, như Luật dạy: Chớ ngoại tình.

            Không những thế, họ còn phải cẩn thận tránh xa những dịp làm thương tổn đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người phối ngẫu của mình. Thiên Chúa quá biết từ ước muốn sẽ dẫn tới hành động, nên Ngài muốn con người phải biết kiểm soát luôn cả ước muốn của mình. Vì thế, Chúa dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”

            Các bộ phận trong thân xác đều có chức năng quan trọng để mở mang Nước Chúa như đã nói ở trên; nhưng nếu các bộ phận chẳng những đã không làm vinh quang cho Nước Chúa, mà còn làm thiệt hại cho phần linh hồn, thì phải làm như Chúa Giêsu dạy: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.”

 2.2/ Vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời: Hiểu ý nghĩa của hôn nhân và mục đích của thân xác như thế, khi con người lãnh nhận Bí-tích Hôn Phối là họ hứa sẽ trung thành với nhau suốt đời; và sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không thể phân ly. Moses cho phép ly dị là vì sự cứng lòng của con người. Giáo Hội cho phép ly dị trong những trường hợp đặc biệt cũng là cho sự yếu đuối của con người mà thôi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một thân xác, không phải là để hưởng thụ; nhưng để mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho tha nhân.

            – Chúng ta phải biết dùng các chi thể của thân xác chúng ta cho việc rao giảng Tin Mừng và mở mang Nước Chúa. Nếu chúng ta không biết cách dùng, chúng sẽ trở nên bằng chứng để buộc tội chúng ta.

Skip to content