Thứ Sáu – Tuần 9 – TN2

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Sáu – Tuần 9 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Tim 3:10-17; Mk 12:35-37.

1/ Bài đọc I: 10 Phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi;

11 anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-ô, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào. Nhưng Chúa đã giải thoát tôi khỏi tất cả.

12 Vả lại, những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su, đều sẽ bị bắt bớ.

13 Còn hạng người xấu xa và bịp bợm sẽ ngày càng xấu hơn, họ vừa lừa dối, vừa bị lừa dối.

14 Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai.

15 Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su.

16 Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.

17 Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.

2/ Phúc Âm: 35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?

36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.

37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? ” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kinh Thánh giúp con người đạt được ơn cứu độ.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật vai trò của Kinh Thánh trong đời sống con người. Trong bài đọc I, Phaolô cắt nghĩa chi tiết cho Timothy về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong việc rao giảng Tin Mừng để đạt được ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu biết của các kinh sư về danh xưng “Con Vua David.” Danh xưng này không đủ để diễn tả nguồn gốc và uy quyền của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những sự chuẩn bị cần thiết của người rao giảng

1.1/ Những gì Timothy đã học được nơi Phaolô: Phaolô gợi lại cho Timothy những gì ông đã huấn luyện và làm gương cho Timothy.

(1) Về đạo lý: Trước tiên và trên hết là đạo lý; nhà rao giảng không thể giảng đạo lý nếu người ấy không biết đúng những lời dạy dỗ của Đức Kitô. Nguy hiểm hơn nữa nếu người đó còn dạy những giáo lý sai lạc. Kế đến là việc huấn luyện thực hành: người môn đệ không phải chỉ biết những gì Đức Kitô dạy mà còn phải thực hành những gì Ngài muốn. Cách huấn luyện hiệu quả nhất là “lời nói phải đi đôi với hành động.” Sau cùng, người môn đệ phải ý thức rõ ràng về đích điểm hướng tới. Không gì tệ hại hơn nhà lãnh đạo mà không biết dẫn những người dưới quyền mình đi đâu; làm rất nhiều việc nhưng không biết để làm gì!

(2) Về các nhân đức: Phaolô chỉ nhắc nhở các nhân đức chính yếu ở đây: Đức tin cần thiết cho việc tin Đức Kitô và những lời dạy dỗ của Ngài. Lòng yêu mến hay đức bác ái là nhân đức không thể thiếu trong cuộc đời của người Kitô hữu. Niềm hy vọng được biểu lộ qua hai nhân đức là sự nhẫn nại để tập luyện và sự kiên trì để vượt qua các gian nan thử thách trong cuộc đời.

(3) Về trung thành trong đau khổ: Phaolô nhắc nhở Timothy nhớ lại những gian khổ và sự bảo vệ của Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời rao giảng của ông. Phaolô chỉ nhắc lại ba biến cố:

– Antioch, Pisidia: Khi thấy Phaolô và Barnabas lôi kéo được nhiều khán giả theo hai ông, người Do-thái ghen tị và cấu kết với các phụ nữ quí tộc và những nhà lãnh đạo trong thành trục xuất hai ông khỏi thành (Acts 13:50).

– Iconium: Khi hay biết một nhóm người Do-thái và Dân Ngoại đã phác họa kế hoạch để ném đá mình, Phaolô rời thành trốn sang Derbe và Lystra (Acts 14:5-6).

– Lystra: Sau khi Phaolô chữa một người bị bại liệt từ lúc mới sinh, dân thành tưởng hai ông là thần họ thờ nên mang lễ vật đến để tôn thờ. Nhưng những người Do-thái từ Antioch và Iconium lại đến xúi giục dân thành ném đá hai ông. Tưởng Phaolô đã chết họ vứt xác ông khỏi thành; nhưng khi các môn đệ khác tới Phaolô trỗi dậy và đi Derbe với họ (Acts 14:19).

Nhắc lại những điều này, Phaolô muốn cho Timothy biết: “những ai muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ.” Nhưng Chúa đã giải thoát Phaolô khỏi tất cả các ghen tị và mưu toan của đối phương. Còn hạng người xấu xa và bịp bợm sẽ ngày càng xấu hơn, họ vừa lừa dối, vừa bị lừa dối.

1.2/ Tầm quan trọng của Sách Thánh: Phaolô muốn nêu bật tầm quan trọng của Kinh Thánh cho mọi người, cách riêng cho người rao giảng.

(1) Dạy trở nên người khôn ngoan: Sách Thánh mặc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa, và không có sự khôn ngoan nào của con người có thể so sánh với khôn ngoan của Thiên Chúa. Biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa là biết hết khôn ngoan và lừa đảo của con người.

(2) Giúp tin vào Đức Kitô để được ơn cứu độ: Lời Chúa chuẩn bị cho con người đặt niềm tin vào Đức Kitô. Khi tuyên xưng niềm tin của họ vào Đức Kitô, họ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa do Đức Kitô mang lại.

(3) Cần thiết cho việc giáo dục con người: Để trở thành người hoàn thiện như Thiên Chúa mong muốn, con người không thể thiếu Sách Thánh, vì nó giúp con người:

– trong việc dạy dỗ: giúp con người biết mục đích cuộc đời, biết điều hay lẽ phải để theo và biết điều xấu lẽ dại để tránh.

– trong việc sửa lỗi hay luận tội: khi biết điều thật con người cũng nhận ra ngay điều sai trái. Con người có thể xử dụng sự thật để chống lại hay luận tội sự sai lầm.

– trong việc huấn luyện để trở nên người công chính: Kinh Thánh giúp con người luyện tập các nhân đức và bước theo đường ngay nẻo chính.

Nhờ tất cả những điều trên, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.

2/ Phúc Âm: Hiểu đúng ý nghĩa của danh xưng “Con Vua David”

2.1/ Những ý nghĩa khác nhau của danh xưng “Con vua David.”

Người Do-thái không có nhiều tĩnh từ để mô tả đặc tính, họ xử dụng động từ ở thời quá khứ phân từ hoặc người nghe phải tự mình phân biệt. Có ít nhất ba ý nghĩa của chữ “con” theo truyền thống Do-thái:

(1) con ruột: người con sinh ra bởi người ấy. Solomon là con ruột của David.

(2) thuộc dòng dõi người đó: Chẳng hạn, khi thiên thần nói với Joseph, “con vua David” đừng ngại nhận Maria về nhà làm vợ (Mt 1:20). Theo gia phả trong Tin Mừng Matthew, Đức Kitô cũng được gọi là “con vua David” theo nghĩa này.

(3) cách biểu tượng, con có thể dùng để chỉ một người có đức tính đó; ví dụ: Bar-nabas, có nghĩa “con của sự ủi an.” Con của Belial có nghĩa “người vô dụng.”

2.2/ Danh xưng Đức Kitô là “Con Vua David” không đủ để diễn tả Đức Kitô:

Khi nghe nói “con vua David,” nó đòi người đọc phải suy nghĩ Chúa Giêsu là con vua David theo nghĩa nào. Ngài thuộc dòng dõi David theo tiêu chuẩn con người mà thôi. Theo tiêu chuẩn Thiên Chúa, David là con của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dùng Thánh Vịnh 110 để cắt nghĩa danh xưng “con vua David” không đủ để diễn tả Ngài:

+ theo quyền năng: Chính vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?”

+ theo nguồn gốc: Chúa Giêsu có trước vua David vì Ngài luôn có từ ngàn đời. Gioan Tẩy Giả cắt nghĩa về vai trò của Đức Kitô như sau: “Ngài xuất hiện sau tôi nhưng Ngài có trước tôi, và tôi không đáng cởi giây quai dầy cho Ngài” (Jn 1:15, 27).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kinh Thánh không thể thiếu trong đời sống con người. Chúng ta cần dành thời giờ học hỏi để hiểu biết trước khi rao giảng và giáo dục người khác.

– Kinh Thánh không dễ hiểu. Để hiểu đúng đắn, chúng ta cần nhiều thời gian để nghiên cứu tất cả các Sách mới có thể nối kết các mặc khải của Thiên Chúa và tránh sai lầm.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content