Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Sau Tuan VI TN.mp3{/audio}
Thứ Sáu, Tuần VI TN, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 11:1-9; Mk 8:34-9:1.
1/ Bài đọc I:
1 Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau.2 Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Shinar và định cư tại đó.
3 Họ bảo nhau: “Nào! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung! ” Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ.
4 Họ nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”
5 ĐỨC CHÚA xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây.
6 ĐỨC CHÚA phán: “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được.
7 Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.”
8 Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa.
9 Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.
2/ Phúc Âm:
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?
37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?
38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”
1 Đức Giê-su còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải lãnh nhận hậu quả cho lối sống của mình.
Trong cuộc đời có 2 lối sống chính: lối sống theo ý định của Thiên Chúa và lối sống theo sở thích của con người. Con người có tự do để lựa chọn sống theo lối nào, nhưng chọn lối sống là chọn hậu quả của lối sống đó mang lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh 2 lối sống này và hậu quả của nó. Trong Bài Đọc I, dân chúng chọn theo lối sống của con người. Họ chọn việc xây tháp để nổi danh và để bảo vệ sự an tòan của họ. Hậu quả là họ bị Thiên Chúa làm cho lẫn lộn trong ngôn ngữ và bị phân tán khắp mặt đất. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trình bày lối sống của những người muốn theo Chúa: họ phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày. Tuy là lối sống hy sinh gian khổ, nhưng nó mang lại hậu quả tốt lành cho con người cả đời này và đời sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tiếng nói là nguyên nhân phân biệt các quốc gia.
Tác-giả bắt đầu bằng tường thuật: “Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau.” Điều này nói lên sự hòa hợp, thông cảm, và đòan kết. Nhưng vì việc xây tháp, Thiên Chúa làm họ nói các thứ tiếng khác nhau. Hậu quả là điều họ lo sợ trở thành sự thật: họ phải tự phân tán đi các nơi. Tác-giả muốn trình bày cho con người thấy khi họ chọn sống ngược lại với lối sống theo Thiên Chúa, họ phải lãnh nhận hậu quả của lối sống này.
1.1/ Mục đích của việc xây tháp: Họ nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”
(1) Để cho danh ta lẫy lừng: là mục đích thứ nhất của việc xây tháp. Ham muốn danh vọng, cá nhân hay tập thể, là lý do chia rẽ con người. Khi một người hay một nhóm muốn nổi danh, họ làm mọi cách để đạt được điều họ ao ước, ngay cả việc tìm những cách hèn hạ để hạ bệ người khác. Trong khi theo đuổi việc háo danh, họ chỉ nghĩ đến mục đích của họ và quên đi bổn phận phải tôn trọng công bằng và nâng đỡ người yếu kém; và chính những người bị đối xử bất công và những người yếu kém này phải tự cách biệt để bảo vệ quyền lợi của họ. Chúng ta thấy lối sống háo danh, ích kỷ này, đang gây thiệt hại trầm trọng cho gia đình, xã hội, và đe dọa nền hòa bình giữa các quốc gia. Thế chiến I và II là hậu quả của những quốc gia muốn cho “danh họ được lẫy lừng.”
(2) Để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất: là lý do thứ hai của việc xây tháp. Con người có khuynh hướng chọn lối sống an tòan. Theo nhiều người, để có cuộc sống an tòan, họ phải làm bất cứ cách nào, ngay cả việc lấy của người khác, để có nhiều của cải vật chất dự trữ: nhà cửa, xe cộ, chứng khóan, chương mục nhà băng, các lọai bảo hiểm; rồi còn phải giao thiệp rộng rãi để có thể vượt qua mọi cửa quan để muốn gì được nấy. Trên bình diện quốc gia, phải thi nhau trang bị vũ khí để có một lực lượng quân sự không ai địch nổi. Chúng ta cũng thấy lối sống an tòan này đang làm sự cách biệt giữa người giầu và người nghèo ngày càng xa hơn, và sự cách biệt này sẽ là mầm mống của chiến tranh giai cấp và thế chiến.
1.2/ Hậu quả của việc xây tháp: Chứng kiến cảnh tượng “xây tháp,” Đức Chúa phán: “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.” Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa.
Ngôn ngữ là khí cụ để con người có thể hiểu biết và thông cảm; một khi ngôn ngữ bất đồng, làm sao con người có thể truyền thông cho nhau được? Trên bình diện luân lý cũng thế, một khi đã không cùng chung một quan niệm sống, làm sao con người có thể sống chung với nhau được? Hơn nữa, ngay cả những người tự chọn lối sống ích kỷ và tham lam cũng không thể ở với nhau được; vì ai cũng muốn hơn người khác và giành giật để chiếm phần hơn cho mình.
Tên của Thành, Babel, có nghĩa là “làm cho lẫn lộn” theo tiếng Do-Thái, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất. Điều họ lo sợ trong câu 4 giờ thành sự thật. Trong Tân Ước, Biến cố Ngũ Tuần (Acts 2:5-12) hòan tòan ngược lại với câu truyện của Tháp Babel: Chúa Thánh Thần làm cho mọi người nói các tiếng khác nhau đều hiểu lời các tông-đồ giảng dạy.
2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Lối sống theo Thiên Chúa: Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”
(1) Từ bỏ chính mình: là từ bỏ ý muốn, sở thích, và lối sống cá nhân để chấp nhận thánh ý và lối sống theo Thiên Chúa. Đây là điều khó khăn nhất để từ bỏ, vì nó đòi con người hầu như phải từ bỏ tất cả những gì con người ưa thích.
(2) Vác thập giá mình mà theo: Theo Chúa là chọn sống theo lối sống của Thiên Chúa, mà lối sống của Chúa Giêsu là theo con đường đau khổ. Ngài đòi con người phải từ bỏ lối sống ích kỷ và an tòan, để chấp nhận lối sống hy sinh cho tha nhân và tin tưởng hòan tòan nơi Thiên Chúa.
2.2/ Hậu quả của lối sống theo Thiên Chúa: Có một mâu thuẫn trong cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn nêu bật trong câu này: Người càng lo lắng đến bảo vệ cuộc sống theo cách thức con người, họ sẽ mất nó; người sẵn sàng từ bỏ chính mình, và hy sinh sống cho người khác và Thiên Chúa, họ sẽ cứu được mạng sống. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này xảy ra ngay tự đời này trong gia đình hay cộng đòan: khi cha mẹ chấp nhận gian khổ để hy sinh cho con cái, gia đình sẽ an vui hạnh phúc; ngược lại, khi cha mẹ chỉ ích kỷ lo cho mình, gia đình sẽ tan vỡ và mọi phần tử của gia đình sẽ chịu thiệt hại.
Người từ chối không chịu sống theo cách thức của Thiên Chúa, không những phải lãnh nhận hậu quả ở đời này, mà còn phải chịu những hình phạt đời sau nữa, như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để mang lại hậu quả tốt đẹp cho cá nhân và cộng đòan, chúng ta phải từ bỏ lối sống theo sở thích con người để chấp nhận lối sống hy sinh và từ bỏ của Thiên Chúa.
– Con đường Thập Giá là con đường cứu sống: Chúa Giêsu đã đi con đường đó để nhân lọai được sống; chúng ta cũng phải đi con đường đó để cứu sống chúng ta và sinh lợi ích cho nhiều người.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}