Thứ Tư – Tuần 6 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Tư – Tuần 6 – TN2

 

Bài đọc: Jam 1:19-27; Mk 8:22-26.

1/ Bài đọc I: 19 Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận,

20 vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.

21 Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.

22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

23 Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. 24 Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. 25 Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm. 26 Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.

27 Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

2/ Phúc Âm: 22 Đức Giêsu và các môn đệ đến Bethsaida. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta. 23 Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?”

24 Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.”

25 Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. 26 Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần kiên nhẫn trong mọi việc.

Con người thường có khuynh hướng làm việc gì là muốn phải nhìn thấy kết quả ngay; nếu không sẽ dễ dàng chán nản và bỏ cuộc. Nhưng “dục tốc bất đạt,” làm việc gì cũng cần có thời gian, vội vã quá sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Hơn nữa, việc càng khó, thời gian chờ đợi càng lâu. Ví dụ, để có thể tốt nghiệp đại học, con người cần ít nhất 16 năm, qua những giai đoạn: tiểu học, trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, và đại học. Mỗi giai đoạn đều phải qua một kỳ thi để chứng tỏ khả năng để tiến tới giai đoạn mới. Trong việc luyện tập các nhân đức cũng thế, con người phải kiên nhẫn với mình và với người khác; bắt đầu luyện tập bằng các việc nhỏ dễ làm, rồi tiến dần đến những nhân đức khó khăn hơn, trước khi có thể sống các nhân đức cách dễ dàng.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong đề tài phải kiên nhẫn chờ đợi trong mọi sự. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Giacôbê khuyên các tín hữu cần kiên nhẫn trong việc luyện tập các nhân đức; nhất là đức tự chủ trong việc kiềm chế miệng lưỡi của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa người mù qua hai giai đoạn. Lần đầu, anh mù chỉ thấy người ta đi đi lại lại như những cây cối. Lần thứ hai anh mới nhìn thấy tất cả rõ ràng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

2.1/ Phải biết tự chủ con người: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận.”

(1) Kiềm chế miệng lưỡi: là dấu chỉ của người khôn ngoan. Người thiếu khôn ngoan là người nói búa xua, nói không kịp thở, nói như sợ người khác giành nói hết. Vì nói không kịp suy nghĩ nên dễ bị bắt bẻ, khuyếch đại, nói hành người khác, và chẳng có việc nào liên quan đến việc nào. Có người cho Thiên Chúa rất khôn ngoan khi dựng nên con người có hai tai và hai mắt; nhưng chỉ có một miệng và một lưỡi. Người khôn ngoan là người biết lắng nghe và quan sát kỹ lưỡng trước khi cho người khác biết ý kiến của mình. Các Sách Khôn Ngoan cho chúng ta rất nhiều lời khuyên về việc kiềm chế miệng lưỡi để tránh những hậu quả tai hại cho mình.

(2) Kiềm chế tính nóng giận (orgê): “vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.” Chữ Hy-lạp tác-giả dùng ở đây (orgê), không phải tính nóng giận do lòng nhiệt thành khi thấy điều sai trái; mà là tính nóng giận vượt quá sự khôn ngoan của của con người—nóng giận cách vô lý. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền nóng giận với con người, thế mà Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi và ban mọi cơ hội để giúp con người ăn năn tội lội của mình.

2.2/ Thực hành Lời Chúa: Lời Chúa tự nó có tiềm năng giúp con người từ bỏ tội lỗi và tập tành nhân đức để mỗi ngày một trở nên thánh thiện hơn. Để thực hiện được những điều này, con người cần phải chuẩn bị, khiêm tốn đón nhận Lời Chúa, và đem ra thực hành. Dụ ngôn người gieo giống và 4 chỗ mà hạt giống được gieo vào giúp chúng ta thấu hiểu điều này. Vì thế, tác giả khuyên các tín hữu: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” Ông đưa ra hai áp dụng cụ thể của Lời Chúa:

(1) Lời Chúa là gương soi giúp con người nhận ra tội lỗi của mình: “Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào.” Như ai cũng phải soi gương mỗi ngày trước khi ra đường, chúng ta cũng phải soi gương bằng việc đọc hay lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày để nhận ra con người thật của mình. Khi soi gương, con người không chỉ soi gương cho qua lần chiếu lệ; nhưng còn phải sửa sang sạch sẽ những gì nhơ bẩn và luộm thuộm trên thân thể của mình. Cũng vậy, chúng ta cũng không thể nghe Lời Chúa cho qua lần chiếu lệ; nhưng phải để Lời Chúa thấm nhập, xét đoán, và tinh luyện những tật xấu trong con người.

(2) Lời Chúa mang lại sự sống cho con người: Tác giả Thư Giacôbê chú trọng đặc biệt đến việc thực hành Lời Chúa; vì nếu chỉ nghe suông rồi quên mất, Lời Chúa sẽ chẳng sinh lợi ích gì cho bản thân: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” Lề Luật không giới hạn tự do của con người; nhưng giúp con người nhận ra những nguy hiểm của tội lỗi và đừng làm nô lệ cho chúng. Vì thế, việc thực hành Lề Luật giúp con người tránh tội, tự do thực sự, và thành công trong mọi việc mình làm.

Tôn giáo thực thụ không chỉ hời hợt bằng các lễ nghi bên ngoài; nhưng phải sinh lợi ích cho tha nhân và cho chính mình. Yêu Chúa phải chứng tỏ qua việc yêu thương tha nhân; nhất là việc thăm viếng và giúp đỡ các “cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân” và luyện tập con người sao cho càng ngày càng tốt lành thánh thiện hơn.

2/ Phúc Âm: Chúa chữa người mù qua hai giai đoạn.

2.1/ Điểm đặc biệt của phép lạ: Phép lạ này chỉ được tường thuật bởi Marcô mà thôi. Trong các phép lạ Chúa Giêsu làm, rất ít khi Ngài dẫn bệnh nhân ra nơi khác như trình thuật hôm nay và trình thuật khi Chúa Chúa Giêsu chữa người điếc và ngọng. Tác-giả không cho biết lý do, nhưng có lẽ cho lợi ích của bệnh nhân. Người mù ở trong bóng tối lâu năm, nên rất nhạy cảm với ánh sáng. Đức Giêsu chữa anh qua hai giai đoạn:

(1) Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.”

(2) Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.

Giống như những trình thuật khác trong Marcô, để bảo đảm “bí mật Đấng Thiên Sai,” Chúa Giêsu cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”

2.2/ Hành trình đức tin trong việc nhận ra Thiên Chúa: Nếu so sánh phép lạ này với phép lạ Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy có những điểm tương đồng và khác biệt: Điểm giống nhau là Chúa Giêsu lấy nước miếng trộn với đất và đem xức vào mắt người mù; điểm khác biệt là Chúa Giêsu lại đặt tay trên mắt anh trong Marcô và anh thấy rõ ràng; trong khi Chúa Giêsu sai anh mù đi rửa mắt ở Hồ Siloam trong Gioan, và sau khi rửa, anh được sáng.

Trình thuật Gioan nhấn mạnh đến sự khai mở niềm tin của người mù qua những giai đoạn khác nhau. Trong mỗi giai đoạn, anh tuyên xưng Chúa Giêsu bằng những tên khác nhau theo sự thật đầy đủ hơn: Lần thứ nhất khi được hỏi bởi hàng xóm ai đã chữa anh, anh tuyên xưng “Người tên là Giêsu.” Lần thứ hai, khi bị tra vấn bởi nhà cầm quyền, anh tuyên xưng: “Người là một tiên-tri.” Lần thứ ba, khi bị tra vấn bởi các kinh-sư, anh nói: “Người phải đến từ Thiên Chúa.” Lần cuối cùng, khi được hỏi bởi chính Chúa Giêsu, anh nhìn nhận: “Người là Đấng Thiên Sai.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thời gian chờ đợi là kẻ thù của con người. Rất nhiều người đã chán nản bỏ cuộc vì phải chờ đợi quá lâu, nhưng như lời Chúa phán: “Ai bền vững đến cùng, kẻ ấy mới được cứu thoát.”

– Để có thể thành công, chúng ta đừng vội phải nhắm ngay đích điểm, nhưng biết chia thành những giai đoạn với những đích nhỏ hơn. Người kiên nhẫn, tuy chậm, nhưng bò lâu ngày rồi cũng tới đích.

 

Skip to content