Thứ Tư – Tuần 19 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Tư – Tuần 19 – TN2 – Năm Chẵn

 

Bài đọc: Eze 9:1-7, 10:18-22; Mt 18:15-20

 

1/ Bài đọc I: 1 Bấy giờ, ĐỨC CHÚA kêu lớn tiếng vào tai tôi: “Hỡi các ngươi là những kẻ có nhiệm vụ trừng phạt thành, hãy đến gần, mỗi người cầm trong tay dụng cụ tiêu diệt!”

2 Và kìa từ phía Cửa Trên hướng về phương bắc, có sáu người đến, mỗi người cầm trong tay dụng cụ huỷ diệt. Ở giữa họ, có một người mặc áo vải gai đeo tráp ký lục ở ngang lưng. Họ đến đứng bên cạnh bàn thờ bằng đồng.

3 Vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en bay lên khỏi thần hộ giá, nơi vinh quang Thiên Chúa ngự, mà tiến về phía thềm Đền Thờ. ĐỨC CHÚA gọi người mặc áo vải gai, đeo tráp ký lục ở ngang lưng 4 và phán với người ấy: “Hãy rảo khắp thành, khắp Giê-ru-sa-lem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.”

5 Tôi lại nghe ĐỨC CHÚA phán với năm người kia: “Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương.

6 Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch; nhưng tất cả những ai mang dấu trên mình, các ngươi chớ đụng đến. Các ngươi sẽ bắt đầu từ Nơi Thánh của Ta.” Và họ đã bắt đầu từ đàn ông, từ người già ở trước Đền Thờ.

7 Người phán với họ: “Hãy làm cho Đền Thờ ra ô uế; tại các tiền đình, hãy chất đầy xác chết, mau đi! ” Họ ra đi và chém giết trong thành.

18 Vinh quang ĐỨC CHÚA bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá.

19 Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các thần hộ giá dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà ĐỨC CHÚA, và vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các vị ấy.

20 Đó là sinh vật tôi đã thấy ở bên dưới Thiên Chúa Ít-ra-en, tại sông Cơ-va, và tôi nhận ra đó là các thần hộ giá.

21 Mỗi thần hộ giá có bốn mặt và bốn cánh: có cái gì giống như bàn tay con người ở dưới cánh các vị ấy.

22 Còn bộ mặt của các vị ấy thì đó là những bộ mặt tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Mỗi thần hộ giá cứ thẳng trước mặt mình mà đi.

2/ Phúc Âm: 15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.

16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.

17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giáo dục và hình phạt.

            Tiêu diệt một phạm nhân là điều công bằng và dễ làm; nhưng giáo dục phạm nhân đó để họ trở thành con người lành thánh là điều khó làm, nhưng đó là điều Thiên Chúa đã làm, và Ngài muốn mọi người chúng ta thực hiện điều đó. Trong tiến trình giáo dục, chúng ta phải giúp cho tội nhân nhận ra tội của mình bằng những nhân chứng khác nhau. Nếu tội nhân vẫn cố tình vi phạm, phải bị cảnh cáo và chịu những hình phạt nhẹ. Sau cùng, nếu tội nhân vẫn ngoan cố không chịu lìa bỏ tội lỗi của mình, họ mới bị tiêu diệt.

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai cách giáo dục của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Trong bài đọc I, Đức Chúa cho ngôn sứ Ezekiel thấy những thị kiến khác nhau để ông nhận ra sự giáo dục của Ngài dành cho con cái Israel. Tiêu diệt họ và phá hủy Đền Thờ chỉ là biện pháp sau cùng, sau khi Ngài đã dùng tất cả các biện pháp. Tuy nhiên, nếu bất cứ người Do-thái nào nhận ra và khóc than tội lỗi mình, Ngài sẽ không tiêu diệt họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ về cách sửa lỗi anh/chị/em của mình: bắt đầu giữa hai người, sau đó mời thêm các nhân chứng, sau cùng mới đem ra cộng đoàn; khai trừ khỏi cộng đoàn chỉ xảy ra khi tội nhân vẫn ngoan cố không nhận tội.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hình phạt của Thiên Chúa dành cho con cái Israel.

1.1/ Thiên Chúa tiêu diệt Jerusalem: Ezekiel là ngôn sứ của thời lưu đày. Sứ vụ của ông là làm cho con cái Israel nhận ra tội lỗi của họ và khuyến khích họ quay trở về với Đức Chúa. Phương cách của ông là trình bày một Thiên Chúa công bằng và nhân từ trong việc sửa phạt: ông liệt kê các tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa, Ngài đã cảnh cáo họ nhiều lần qua các ngôn sứ (Isaiah, Jeremiah, Micah) và nói trước về các hình phạt sẽ xảy ra, sau cùng Ngài mới ra tay phạt. Khi phải phạt, Ngài cũng rất công bằng, chỉ những người tội lỗi mới bị phạt; ai nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại, Đức Chúa sẽ cho hồi hương và phục hồi xứ sở.

            Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa có giới hạn vì họ đã quá khinh thường các lời giáo huấn của Ngài. Thị kiến mà Ezekiel mô tả hôm nay báo trước những gì sẽ xảy ra cho Đền Thờ và dân thành Jerusalem. Thiên Chúa không trừng phạt tất cả mọi người trong thành vì vẫn có những người biết thờ phượng Ngài và gớm ghét tất cả mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong thành, nhưng chỉ các tội nhân mà thôi. Để phân biệt người công chính ra khỏi các tội nhân, thiên thần của Chúa sẽ đi khắp thành và đánh dấu chữ thập trên trán những người công chính trước khi các thiên thần có bổn phận phải trừng phạt sẽ theo sau tàn sát.

1.2/ Thiên Chúa rời bỏ Đền Thờ Jerusalem: Từ thời vua Solomon, người Do-thái tin tưởng Đền Thờ Jerusalem là nơi Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel, là Nhà của Ngài. Nhiều người vẫn nghĩ Đức Chúa sẽ không bao giờ phá hủy hay để cho quân thù phá hủy Nhà của Ngài, mặc dù Đức Chúa đã phán qua các ngôn sứ: Đền Thờ không đủ bảo đảm sự an toàn của họ.

            Thị kiến Ezekiel nhìn thấy hôm nay muốn làm sáng tỏ một điều: Đức Chúa không còn hiện diện trong Đền Thờ nữa. Trước khi phá hủy Đền Thờ, Thiên Chúa được di chuyển khỏi đó.

Các cherubim (thần sốt mến) là những người di chuyển. Hình phạt đau đớn nhất cho con cái Isael là Đức Chúa không còn ở với họ nữa.

2/ Phúc Âm: Cách sửa lỗi cho nhau

            Như chúng ta đã nhấn mạnh: mục đích của việc sửa lỗi là để đưa người anh em phạm lỗi trở về, chứ không phải vì tự ái, vì tức giận, hay bất kỳ lý do nào khác. Vì thế, việc sửa lỗi cần được làm hết sức khôn ngoan và tế nhị mới mong đạt được kết quả tốt đẹp. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp sửa lỗi rất khôn ngoan với ba tiến trình tuần tự phải làm:

            (1) Bước đầu tiên: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Điều Chúa muốn mạnh trong bước đầu tiên này là giữa hai người mà thôi. Tại sao? Vì tâm lý con người rất phức tạp, họ không muốn tội của họ bị phơi bày trước đám đông, nhất là trước mặt những người có liên hệ mật thiết với họ. Vả lại bước này cũng cần cho việc bảo đảm sự công bằng, vì người vi phạm có cơ hội trình bày lý do và hoàn cảnh tại sao họ làm như thế.

            (2) Bước thứ hai: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Nếu chuyện giữa hai người không thể giải quyết được thì cần thêm nhân chứng. Theo phong tục của Do Thái, lời chứng của 3 người trở lên là chứng thật. Để có thể chinh phục được người anh em, chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn các nhân chứng: cần chọn những người có thế giá và được sự kính trọng của người anh em phạm lỗi. Nếu không, kết quả sẽ không được như chúng ta mong muốn vì người anh em đó có thể cho chúng ta “bè cánh” để ức hiếp họ.

            (3) Bước sau cùng: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh (ekklesía)[1]. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Nếu người anh em đó vẫn không chịu nghe lời các nhân chứng thì mang nó ra trước cộng đoàn. Mỗi cộng đoàn đều có hiến pháp, luật lệ và hình phạt cho những thành viên vi phạm. Hình phạt sau cùng là khai trừ họ ra khỏi cộng đoàn. Phúc Âm nói hãy coi họ như người Dân Ngoại (ngoài Do Thái) hay một người thu thuế (tội lỗi). Dĩ nhiên Phúc Âm ở đây không có ý so sánh với những người Dân Ngoại chưa có cơ hội biết Chúa và những người thu thuế chưa có cơ hội ăn năn trở lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Sửa lỗi là việc làm hết sức tế nhị, nhất là sửa lỗi cho những người bằng vai hoặc vai trên chúng ta. Vì thế, có nhiều người chủ trương xin hai chữ bình an vì không muốn mất thời gian, gánh chịu ghen ghét, và hậu quả không hay có thể sẽ đến. Nhưng như Lời Chúa hôm nay, sửa lỗi là một bổn phận để đưa người anh em tội lỗi trở về, chứ không phải là việc có thể không làm.

            – Biết bao lần chúng ta đã sửa lỗi không vì mục đích “đưa họ trở về,” nhưng vì không kềm được tính nóng giận, để vạch lá tìm sâu… Hình phạt chỉ là bước sau cùng phải áp dụng trên người lầm lỗi sau khi đã áp dụng cả 3 bước này, và mục đích của hình phạt là để thanh tẩy chứ không để hủy hoại con người.

            – Ba bước phải làm mà Chúa dạy hôm nay sẽ bảo đảm sự công bằng và tránh được các nỗi sợ về phương diện tâm lý.



[1] Danh từ ekklesía gây nhiều tranh cãi, vì làm gì đã có Hội Thánh hay Giáo Hội khi Chúa Giêsu nói những lời này? Theo tự điển, danh từ này có nhiều nghĩa: nhà thờ, giáo đoàn, buổi hội họp cho cả tôn giáo, chính trị, chính thức hay không chính thức. Điều muốn được hiểu ở đây là mang đương sự ra một tổ chức mà đương sự thuộc về, để tổ chức này xử lý và cho hình phạt.

Skip to content