Chủ Nhật II – Năm A – Mùa Chay

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật II – Năm A – Mùa Chay 

Bài đọc: Gen 12:1-4a; 2 Tim 1:8-10; Mt 17:1-9.

1/ Bài đọc I: 1 ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.

2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.

3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”

4 Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông.

2/ Bài đọc II: 8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su,

10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.

3/ Phúc Âm: 1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.

2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.

3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.

4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.

7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”

8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vinh quang chỉ có được nhờ làm theo những gì Thiên Chúa truyền dạy.

Con người làm việc là cho một mục đích. Họ biết mục đích càng cao trọng bao nhiêu, thách đố và đau khổ càng lớn lao bấy nhiêu. Làm sao để thuyết phục một người có can đảm bỏ ý riêng của họ, sẵn sàng đương đầu với mọi nguy hiểm, để theo đuổi một mục đích? Có ba cách: Một là hứa hẹn với họ về những hậu quả tương lai mà họ sẽ được hưởng. Cách này chỉ hiệu quả cho những người có uy tín. Hai là cắt nghĩa để họ hiểu sự hợp lý giữa những việc làm hiện tại và hậu quả tương lai. Đây là cách mà con người thường dùng để chinh phục. Ba là cho họ thấy trước những hậu quả đó. Cách này chỉ có thể thực hiện bởi Thiên Chúa, Đấng có quyền trên mọi sự.

Các bài đọc hôm nay dẫn chứng cả 3 cách đều được dùng trong việc thuyết phục con người, để họ có can đảm làm theo ý muốn của người truyền. Trong bài đọc I, Thiên Chúa hứa với Abram: Ngài sẽ ban cho ông một Đất Hứa, một dòng dõi, và chúc lành bảo vệ ông cũng như dòng dõi của ông, nếu ông có can đảm bỏ quê cha đất tổ để lên đường theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải hy sinh tất cả để đồng lao cộng khổ với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng, vì lợi ích mà Tin Mừng mang lại: Ông và mọi người được xóa bỏ tội lỗi, được trở nên thánh thiện, và được lãnh nhận ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biến hình cho ba môn đệ thân tín thấy trước vinh quang các ông sẽ được hưởng, nếu các ông chấp nhận Cuộc Thương Khó sắp xảy ra và làm theo những gì Ngài dạy bảo.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nhờ Abram, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.

1.1/ Những điều Thiên Chúa hứa với Abram: Trước khi Thiên Chúa gọi Abram, ông và gia đình ông đang sống yên ổn tại Urs, một thành phố trù phú nằm chỗ hai con sông lớn Tigris và Euphrates giao nhau, Iraq hiện giờ. Abram chưa hề biết Thiên Chúa, nhưng sớm biết dùng trí khôn và lý luận để tin phải có một Đấng Toàn Năng dựng nên và điều khiển trái đất này, chứ không phải do những vị thần vô tri do tay con người tạo nên mà cha ông buôn bán. Nhờ niềm tin đó, ông dần dần nhận ra Thiên Chúa và phát triển mối liên hệ với Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa hứa với Abram ba điều:

(1) Ngài sẽ ban cho ông một Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật. Đức Chúa phán với ông Abram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” Lời hứa này chỉ được thực hiện khi Thiên Chúa đưa dòng dõi của ông từ hoàn cảnh nô lệ bên Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ, lang thang 40 năm trong sa mạc, trước khi vào đất Canaan. Tuy nhiên, Đất Hứa này cũng chỉ là hình bóng của Nước Trời mà thôi.

(2) Lời hứa ban một dòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới biển. Đức Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.” Lời hứa này cũng chỉ được thực hiện sau khi Abram qua đời. Hiện giờ, ông là tổ phụ của tất cả những người theo đạo Do-thái, Công-giáo, và tất cả những người tin vào Đức Kitô (hơn một nửa dân số trên địa cầu).

(3) Lời hứa được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” Lời hứa này được thực hiện cả trong thời của Abram qua những biến cố như: giao tranh với các vua, giải thoát Sarah vợ ông hai lần… lẫn sau này, khi Thiên Chúa tiếp tục chúc phúc cho dòng dõi của ông: Isaac, Jacob, và các con cháu, nhất là qua biến cố Xuất Hành.

1.2/ Những gì Abram phải hy sinh: Để được hưởng những lời hứa đó, Abram phải tin tưởng và làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền. Abram phải lìa xa quê cha đất tổ xứ Urs, họ hàng, và nhà cha ông. Ông phải vượt qua những lo sợ của con người như: ai sẽ săn sóc cha mẹ già, làm gì mà sống, lang thang đây đó rất nguy hiểm vì phải đương đầu với các quyền lực địa phương, bao giờ những gì Thiên Chúa hứa mới được thực hiện… Ông Abram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông, vì ông hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ chúc lành và bảo vệ ông như lời Ngài đã hứa. Nếu ông sợ hãi, ông sẽ ở lại đất Urs và sẽ không bao giờ được hưởng những gì Thiên Chúa hứa.

2/ Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

2.1/ Những gì Tin Mừng của Đức Kitô mang lại cho con người: Có 4 điều lợi ích Phaolô liệt kê cho môn đệ Timothy trong trình thuật hôm nay:

(1) Tin Mừng cứu độ được ban cho con người cách nhưng không: Con người được cứu độ và được nhập đoàn hàng ngũ các thánh là hoàn toàn do kế hoạch và ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do bất cứ công việc gì của con người làm. Điều này có nghĩa Tin Mừng Cứu Độ là cho mọi người, không chỉ những người Do-thái mà thôi.

(2) Tin Mừng mặc khải cho con người về tình yêu Thiên Chúa: “Ân sủng của Thiên Chúa được ban cho con người từ muôn thuở trong Đức Kitô; nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện.” Ân sủng của Thiên Chúa gồm nhiều loại khác nhau, nhưng trọng tâm là Thánh Thần và các ân sủng Ngài ban qua các bí tích.

(3) Tin Mừng ban ơn cứu độ: Điều chính yếu và trên hết của Tin Mừng là về Đấng Cứu Độ của con người là Đức Kitô. Chính Người đã tiêu diệt thần chết qua Cuộc Thương Khó và Phục Sinh, để mang lại sự sống đời đời cho con người. Nếu con người muốn được cứu độ, họ phải tin vào Ngài.

(4) Thiên Chúa dùng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ cho mọi người. Để có thể loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người qua mọi thời đại, Đức Kitô đã có kế hoạch: Ngài muốn Tin Mừng được viết xuống và Ngài sai các môn đệ, những người Ngài đã tuyển chọn để đi rao giảng Tin Mừng.

2.2/ Timothy phải hy sinh mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng: Để được hưởng và để mang lợi ích của Tin Mừng đến mọi người, các nhà rao giảng Tin Mừng cần biết trước những thách đố và đau khổ họ phải chịu.

(1) Rao giảng Tin Mừng sẽ bị người đời ghen ghét: Tin Mừng của Đức Kitô loan báo những điều ngược lại với tiêu chuẩn của người thế gian. Chính Đức Kitô đã cảnh giác các môn đệ: Các con sẽ bị thế gian ghen ghét vì các con không thuộc về nó… Thế gian yêu mến những người giống như nó… Thế gian sẽ yêu mến các con, nếu các con thuộc về nó… Chúng đã ghét Thầy và chúng sẽ ghét các con…

(2) Rao giảng Tin Mừng sẽ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, và có thể bị giết chết. Phaolô viết Thư này cho Timothy khi ông đang bị giam trong ngục tù tại Roma. Những người trong Thượng Hội Đồng của Do-thái truy tố Phaolô, vì ông tiếp tục rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô để làm cho mọi người tin vào Ngài. Điều này cũng đã được Đức Kitô loan báo trước cho các môn đệ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy họ cũng sẽ bắt bớ các con.”

(3) Sức mạnh của Thiên Chúa sẽ giúp cho người rao giảng Tin Mừng chiến thắng mọi trở ngại. Tuy phải đương đầu với thử thách và đau khổ, Phaolô vẫn khuyên Timothy: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”

3/ Phúc Âm: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

3.1/ Tại sao Chúa Giêsu mặc khải vinh quang của Ngài chỉ cho ba môn đệ? Để hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối cảnh lịch sử của nó.

+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn.

+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá. Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn của Ngài.

+ Sự hiện diện của Moses và Elijah: Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo. Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Tiên-tri Elijah được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.

+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31). Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.

3.2/ Lời truyền của Thiên Chúa Cha: Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan. “Hãy vâng nghe lời Người” là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù những điều này không phải những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kết quả vinh quang không phải tự nhiên mà có; nhưng là hậu quả của việc làm theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.

– Thi hành thánh ý Thiên Chúa đòi con người phải từ bỏ ý riêng mình và sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và đau khổ. Ngài sẽ ban cho chúng ta khôn ngoan và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Skip to content