Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Ba – Tuần 26 – TN1
Bài đọc: Zec 8:20-23; Lk 9:51-56.
1/ Bài đọc I: 20 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến.
21 Dân thành này sẽ đến thành khác mà nói rằng: “Nào ta cùng đi làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA dịu lại và tìm kiếm ĐỨC CHÚA các đạo binh; cả tôi nữa, tôi cũng đi! “
22 Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm ĐỨC CHÚA các đạo binh ở Giê-ru-sa-lem và làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA dịu lại.
23 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em.”
2/ Phúc Âm: Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.
Ngài sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Ngài, vì Ngài đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.
Thấy thế, hai môn đệ Ngài là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ.
Khi gặp trái ý hay đau khổ trong cuộc đời, con người thường có 3 khuynh hướng:
(1) Trách Thiên Chúa hay trách Trời: bắt con người phải đau khổ như những lời mở đầu của Truyện Kiều: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen… Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
(2) Trách tha nhân: Có thể là cha mẹ, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Có thể là tha nhân như triết gia hiện sinh J.P. Sastre nói: “Tha nhân là hỏa ngục.” Hay như phản ứng của hai Tông-đồ Giacôbê và Gioan hôm nay: muốn lửa từ trời xuống thiêu rụi các thành của Samaria.
(3) Trách chính mình: đã sinh ra dưới một ngôi sao xấu.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một cách giải quyết tốt đẹp hơn: tìm hiểu lý do tại sao phải đau khổ. Trong bài đọc I, ngôn-sứ Zechariah tiên báo sẽ có ngày mọi người thuộc mọi dân nước sẽ tuôn đến Jerusalem để đi tìm Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, vì họ đã nghe Thiên Chúa ở với người Do-thái. Trong Phúc Âm, khi hai Tông-đồ Giacôbê và Gioan muốn tiêu diệt dân thành Samaria, Chúa Giêsu quở trách hai ông, vì đó không phải là đường hướng giáo dục của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ở Jerusalem.
1.1/ Jerusalem sẽ là nơi thờ phượng của mọi dân tộc.
(1) Văn bản: Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch sai câu 21 và 22. Cụm từ “lehalôt et-penê Yahweh” có nghĩa “để cầu nguyện trước mặt Yahweh;” chứ không phải “để làm cho mặt Yahweh dịu lại.” Vì thế, phải dịch câu 21:
+ Dân thành này sẽ đến thành khác mà nói rằng: “Nào ta cùng nhanh chóng đi để cầu nguyện trước nhan thánh Đức Chúa và tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh; cả tôi nữa, tôi cũng đi!”
+ và câu 22: Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ở Jerusalem và “cầu nguyện trước nhan thánh Đức Chúa.”
(2) Ý nghĩa: Đây là lời tiên tri của Zechariah về tương lai của Thành Thánh Jerusalem: “Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến.” Họ tuôn đến Jerusalem để cầu nguyện và để tìm kiếm Đức Chúa. Việc thờ phượng Đức Chúa không chỉ giới hạn trong vòng dân Do-thái, nhưng lan rộng ra đến mọi dân tộc. Điều này không chỉ được nói bởi ngôn sứ Zechariah, mà còn được tiên báo bởi hầu hết các ngôn sứ: Isaiah, Jeremiah, Daniel… Jerusalem không phải là Jerusalem thể lý, nhưng là Jerusalem trên trời (Rev 3:12; 21:2; 10).
Trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria, Chúa Giêsu cũng nói tiên tri: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Jn 4:20-24).
1.2/ Lý do tìm kiếm: Người năm châu bốn bể tuôn đến Jerusalem để tìm Chúa vì họ được nghe biết về Thiên Chúa của người Do-thái. Ngôn sứ Zechariah thuật lại lời sấm của Thiên Chúa: “Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Judah mà nói: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em.”” Mười người đàn ông nói mười ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ cùng chung một mục đích là đi tìm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, lời sấm này được thực hiện nơi Đức Kitô, Đấng đã bị chết treo trên Thập Giá, nằm trong mộ 3 ngày, và đã phục sinh khải hoàn. Người chết để xóa tội cho con người, và sống lại để phục hồi sự sống cho con người (Zech 11:12-14).
2/ Phúc Âm: Phản ứng của hai ông Giacôbê và Gioan: muốn tiêu diệt đối phương.
2.1/ Người Do-Thái và người Samaria: Cách tốt và ngắn nhất nếu đi từ Galilea tới Jerusalem là băng ngang qua Samaria; nhưng hầu hết các người Do-thái đều tránh dùng lối đó vì giữa hai bên có một mối thù không đội trời chung. Người Do-thái dùng hai lối khác đi lên Jerusalem: hoặc đi đường ven biển hoặc đi dọc theo sông Jordan đến Jericho rồi đi lên Jerusalem. Người Samaria tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho người Do-thái đi ngang qua lãnh thổ của họ như ta thấy hôm nay: Dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Jerusalem.
2.2/ Phản ứng của Giacôbê và Gioan: Khi thấy phản ứng của người Samaria dành cho Chúa Giêsu, hai Tông-đồ Giacôbê và Gioan cảm thấy bị xúc phạm. Hai ông hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Đây là phản ứng thông thường của người Do-thái dành cho Dân Ngọai. Các ông nghĩ Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình xuống để vào làng và để rao giảng Tin Mừng cho họ, thế mà họ lại từ chối không đón nhận; vì vậy họ không đáng được nghe Tin Mừng và cũng không đáng sống vì đã từ chối Con Thiên Chúa.
2.3/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài quay lại quở mắng các ông. Tiêu diệt đối phương không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột nhưng làm cho họ trở thành bạn thì sẽ giải quyết mọi vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu?” Chương 4 của Phúc Âm Gioan tường thuật Chúa Giêsu đã hóan cải người phụ nữ xứ Samaria thành nhà truyền giáo đầu tiên trước cả các Tông Đồ. Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật sau cuộc tử đạo đầu tiên của Phó Tế Stephen, Philip đi giảng ở Samaria, chữa trị nhiều người, và làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu (Acts 8:4-8). Nếu các Tông Đồ đã khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy các thành Samaria, thì làm sao kiếm được các tín hữu tin vào Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để cho mọi người tin vào Thiên Chúa, chúng ta cần rao giảng Tin Mừng để nói về Thiên Chúa cho họ. Chúng ta không thể kết tội bất cứ ai khi chưa cho họ có cơ hội được nghe Tin Mừng.
– Chúng ta không thể hiểu nổi hết kế họach của Thiên Chúa vì nhiều giới hạn của con người. Vì thế, khi gặp trái ý hay thử thách, chúng ta cần phải bắt chước gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Các Ngài giữ những sự ấy và suy niệm trong lòng; thay vì than thân, trách phận hay tiêu diệt đối phương. Tiêu diệt đối phương không phải là cách để giải quyết xung đột, nhưng biến họ thành bạn là cách hay nhất để tiêu diệt mọi xung đột.