Thứ Sáu – Tuần 32 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Sáu – Tuần 32 – TN1

Bài đọc: Wis 13:1-9; Lk 17:26-37.

1/ Bài đọc I: 1 Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si.
Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu,
và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công.

2 Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn,
hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ.

3 Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp.

4 Nếu quyền năng và sức mạnh của những vật kia làm cho chúng kinh ngạc
thì chúng phải hiểu rằng Đấng làm nên những vật đó còn mạnh mẽ hơn biết chừng nào.

5 Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành.

6 Tuy vậy, chúng cũng chỉ đáng trách phần nào thôi
vì đã cố tìm và mong thấy Thiên Chúa, nhưng có thể chúng bị lầm lạc.

7 Bị chìm ngập giữa bao nhiêu công trình của Chúa, chúng ra sức tìm tòi,
nhưng đã để cho cái vỏ bên ngoài mê hoặc vì vẻ đẹp mà chúng nhìn thấy.

8 Tuy nhiên, không vì thế mà chúng được thứ tha.

9 Vì nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời,
thì sao lại không sớm nhận ra Đấng Chủ Tể của những sự vật đó?

2/ Phúc Âm: 26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.

27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.

28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất.

29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.

30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.

31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót.

33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.

34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.

35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.

36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”

37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy? ” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu

Con người thường có khuynh hướng yêu thích những gì đẹp trước mắt hơn những giá trị cao quí ẩn dấu bên trong. Chẳng hạn, yêu thích những món ăn ngon mà quên đi tình thương của người đã bỏ thời giờ, tiền của để chuẩn bị bữa ăn đó; đến nỗi nhiều khi một tiếng cám ơn cũng quên không nói. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, con người nhiều khi quá yêu thích những tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng mà quên đi tình thương của Ngài; đến nỗi nhiều khi quên luôn đích điểm của cuộc đời là về sống với Chúa muôn đời. Các Bài đọc hôm nay nhắc nhở con người phải biết quí trọng những gì có giá trị vĩnh cửu hơn là những hào nhóang chóng qua. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan nhắc nhở con người phải biết suy xét về niềm tin của mình, để thờ phượng chính Đấng Tạo Hóa, thay vì thờ các tạo vật Ngài tạo dựng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiếp tục nhắc nhở cho con người phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Chúa đến lần hai; để đừng bị tiêu diệt như Nạn Hồng Thủy thời ông Noah, hay nạn Mưa Diêm Sinh thời ông Lot.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Thành.

Có nhiều điều chúng ta có thể bàn luận trong trình thuật hôm nay; nhưng chúng ta chỉ giới hạn trong hai điều chính: sự hiện hữu của Thiên Chúa và các đặc tính của Ngài biểu hiện qua các tạo vật trong vũ trụ.

1.1/ Sự hiện hữu của Thiên Chúa: Theo tác giả, trí khôn của con người và sự hiện hữu của các tạo vật trong vũ trụ, đủ giúp con người nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh Thomas gọi đây là nguyên lý nhân quả: vật gì có là phải có người làm cho nó có. Người dựng nên các tạo vật phải là Đấng Tự Hữu mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Một tác giả khác diễn tả: Thiên Chúa cho con người có trí khôn và cho con người thấy mọi hiệu quả của việc tạo dựng; trong khi Ngài ẩn mình để xem con người có nhận ra Ngài hay không! Người khôn ngoan biết dùng trí óc để luận ra ngay Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng. Người ngu si không chịu dùng trí khôn suy xét cho mọi vật tự nhiên mà có, hay sáng chế ra những học thuyết kỳ lạ: Big Bang, Tiến Hóa… Tác giả sách Khôn Ngoan nhận định những người này như sau: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công.”

1.2/ Mỗi tạo vật mặc khải một hay nhiều đặc tính của Thiên Chúa: Nhìn một bông hoa đẹp con người phải suy xét tới người dựng nên bông hoa đó; ông phải khôn ngoan và tài tình hơn bông hoa đó nhiều. Nhìn ánh sáng đẹp đẽ và hơi ấm của mặt trời, nhiều người đã sụp xuống bái lạy và tôn thờ thần Mặt Trời; nhưng họ phải suy xét và hỏi: Người làm ra nó phải khôn ngoan và tài tình hơn nhiều. Tác giả sách Khôn Ngoan nhận định lý do con người không nhận ra Thiên Chúa, vì họ chỉ xét đoán dựa theo dáng vẻ bên ngoài, mà không chịu dùng trí khôn để suy xét sâu xa hơn. Trí khôn phải giúp cho con người nhận ra: Đấng dựng nên phải đẹp hơn tất cả các vẻ đẹp của các thụ tạo Ngài dựng nên; Đấng dựng nên phải uy quyền và mạnh mẽ hơn các loài thụ tạo; và các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Thành.

Cũng cùng một quan niệm như Phaolô, tác giả sách Khôn Ngoan qui trách nhiệm không nhận ra và không thờ phượng Thiên Chúa cho con người: “Tuy nhiên, không vì thế mà chúng được thứ tha. Vì nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời, thì sao lại không sớm nhận ra Đấng Chủ Tể của những sự vật đó?”

2/ Phúc Âm: Ngày Chúa đến lần thứ hai

2.1/ Con người không chuẩn bị: Mặc dù đã được báo trước về tai họa sắp xảy ra, nhưng con người vẫn ngoan cố không chịu chuẩn bị. Tại sao con người không chịu chuẩn bị? Họ có thể nghĩ chuyện đó không bao giờ có thể xảy ra: Kinh nghiệm dạy con người: không ai học được chữ ngờ; chẳng hạn: vụ không tặc khủng bố 9/11 hay cơn bão Katrina. Hay chuyện đó còn lâu mới tới: cứ việc vui chơi ăn uống cho tới khi nhận ra những tín hiệu báo trước rồi ăn năn cũng không muộn. Nhưng một lý do có lẽ chính đáng hơn cả là vì con người quí trọng vật chất hơn Đấng đã tạo dựng ra chúng. Chúa Giêsu gợi lại 2 biến cố đã xảy ra và được ghi lại trong Sách Sáng Thế Ký để dẫn chứng sự khờ dại của những người không chịu chuẩn bị:

(1) Nạn lụt Hồng Thủy: “Cũng như thời ông Noah, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noah vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.”

(2) Mưa lửa diêm sinh từ trời: “Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lot: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lot ra khỏi Sodom, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.”

Và Chúa kết luận: “Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, Ngày Con Người được mặc khải.”

2.2/ Những gì sẽ xảy ra và việc cần làm trong Ngày Tận Thế.

(1) Sự việc sẽ xảy ra nhanh chóng, con người sẽ không có thời giờ chuẩn bị. Khi sự việc đó xảy ra, con người cần ý thức: Không phải là lúc để bảo vệ của cải: “Ngày ấy, ai ở trên mái nhà mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy.” Không phải là lúc quay trở về nhà: Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lot: vì không nghe lời sứ thần Thiên Chúa dạy nên tiếc của ngóai đầu trở lại, đã bị hóa thành cột muối. Phải có can đảm để trốn thóat: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.”

(2) Không có sự lẫn lộn giữa người lành và kẻ dữ trong ngày đó: Sứ thần của Thiên Chúa biết phân biệt rõ người lành ra khỏi kẻ dữ; các ngài sẽ đóng ấn trên các tôi tớ của Thiên Chúa trước khi các sứ thần khác ra tay tàn sát. Chúa Giêsu trưng dẫn 3 ví dụ cho sự chính xác này: “Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”

(3) Đâu là chỗ người lành được đem đi và kẻ dữ bị bỏ lại? Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?”

– Nơi của kẻ dữ: Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng nói với các ông câu châm ngôn: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.” Tất cả những người khinh thường không chịu chuẩn bị sẽ bị tiêu diệt; và xác của họ sẽ bị diều hâu bâu tới rúc rỉa.

– Chỗ của người lành: Chúa Giêsu không cho biết ở đây; nhưng như gia đình của Noah và của Lot, họ sẽ thóat mọi nguy hiểm và được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta có trí khôn để nhận ra sự hiện hữu của Ngài trong các tạo vật Ngài dựng nên. Chúng ta đừng bao giờ chạy theo thờ phượng các tạo vật thay vì Thiên Chúa.

– Hai điều kiện cần để chuẩn bị cho Ngày Chúa đến là vững tin nơi Đức Kitô và sống yêu thương mọi người. Chúa đã cảnh cáo con người nhiều lần và khuyên con người phải tỉnh thức sẵn sàng trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến lần thứ hai. Dẫu vậy, sẽ có rất nhiều kẻ khinh thường không chịu chuẩn bị cho đến giây phút cuối và bị hư đi.

Save

Save

Skip to content