Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Tư – Tuần 1 – TN2
Bài đọc: I Sam 3:1-10, 19-20; Mk 1:29-39.
1/ Bài đọc I (năm chẵn): 1 Cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra.
2 Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa.
3 Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!”
5 Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ.
6 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.”
7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu.
8 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. 10 Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en! Sa-mu-en! ” Sa-mu-en thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
19 Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. 20 Toàn thể Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, biết rằng ông Sa-mu-en được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người.
2/ Phúc Âm: 29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.
30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.
31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.
36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.
37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”
38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là Thượng-tế nhân-từ và trung-tín.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đau mắt mới biết thương người mù.” Có là cha mẹ mới biết nỗi khổ của việc cưu mang và dưỡng nuôi con cái. Có trải qua đau khổ và cám dỗ, một người mới có thể giúp ai trong hoàn cảnh đó. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn nạn tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể và trở nên hoàn toàn giống như con người về mọi phương diện, trừ tội lỗi.
Trong Bài Đọc I, năm chẵn, thầy cả Eli dùng kinh nghiệm để dạy cho con trẻ Samuel biết lắng nghe và nhận ra tiếng Thiên Chúa trong đêm trường tỉnh thức và cầu nguyện. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng cảm với số phận con người: Ngài chữa lành cho mẹ vợ Phêrô và tất cả mọi người trong Thành Capernaum kéo đến kêu xin. Ngài cũng dạy cho các tông-đồ biết thăng bằng giữa các họat động tông-đồ với đời sống cầu nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm chẵn): “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
1.1/ Những đức tính cần thiết của người ngôn sứ: Để có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa, con người phải tập để có những đức tính sau:
(1) Tĩnh lặng: Đền thờ là một trong những nơi Thiên Chúa nói với con người, Samuel ngủ trong Đền Thờ với Thiên Chúa. Ngoài ra, sa mạc hay đỉnh núi cũng là chỗ Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Khi không có cơ hội, phòng riêng cũng là nơi tốt để cầu nguyện. Ngược lại, ồn ào làm con người chia trí và tâm hồn không thể lắng đọng để nghe tiếng Thiên Chúa.
(2) Tỉnh thức: Chúa Giêsu khuyên các môn đệ luôn phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể đứng vững. Cậu bé Samuel trong trình thuật hôm nay rất bén nhạy với tiếng gọi, ba lần cậu giật mình tỉnh thức trong đêm trường. Các thánh có thói quen cầu nguyện trong đêm tối; vì là thời gian Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Ngôn sứ cần có tỉnh thức để nhận ra nhu cầu của con người chung quanh trước khi có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Những ai mê ngủ khó có thể nghe được tiếng Chúa và tiếng kêu cứu của tha nhân.
(3) Mau mắn vâng lời: Ba lần nghe tiếng gọi trong đêm, ba lần Samuel mau mắn chạy tới với thầy cả Eli để xem Thầy cần gì. Samuel không nản chí khi Thầy truyền về ngủ lại cả ba lần. Nếu Samuel nản chí, cậu sẽ không có cơ hội được Thiên Chúa tỏ mình. Ngôn sứ không chỉ lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng còn phải mau mắn vâng lời và làm theo ý của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa đang thử luyện cậu bé Samuel trước khi trao sứ vụ ngôn sứ cho cậu. Làm sao Thiên Chúa có thể trao sứ vụ cho những người ù lỳ không thi hành những gì Ngài mong muốn.
1.2/ Kinh nghiệm của thầy cả Eli: Con người cần lắng nghe để học hỏi kinh nghiệm và vâng lời sự chỉ dẫn của những người hữu trách, vì đó là một trong những cách thức Thiên Chúa dùng để huấn luyện con người. Một người không chịu lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thường sẽ bị trả giá nặng nề. Trong trình thuật hôm nay, thầy cả Eli truyền kinh nghiệm của mình cho Samuel để cậu có thể lắng nghe tiếng của Ngài: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
Sau khi nhận được cách thức đáp lại tiếng Thiên Chúa của Thầy, Samuel về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Samuel thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
Kể từ đó, Thiên Chúa thường xuyên nói chuyện với Samuel. Đức Chúa ở với ông và ông không để cho một lời nào của Ngài ra vô hiệu. Toàn thể Israel, từ Dan tới Beer-Sheba, đều biết rằng ông Samuel được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đồng cảm với con người. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
2.1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc của Phêrô: “Vừa ra khỏi hội đường Capernaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”
Trong hành trình của Chúa trên dương gian, Ngài luôn đồng cảm với con người, nhất là những bệnh nhân và những người lâm cảnh khốn khó. Ngài luôn chữa lành khi họ kêu xin; và nhiều khi họ chưa kêu xin nữa.
2.2/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho rất nhiều người trong thành: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Sở dĩ họ phải chờ chiều đến, là Luật Do-Thái không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.3/ Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
(1) Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện: Khi Ngài còn đang cầu nguyện, ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Cả một ngày vất vả dạy dỗ và chữa bệnh, Chúa Giêsu vẫn tìm được thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn dạy các môn đệ: cần phải thăng bằng giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa để
nuôi dưỡng các họat động tông-đồ.
(2) Nước Chúa cần được mở rộng khắp nơi: Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilee, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Người tông-đồ của Chúa Giêsu phải biết cảm thương với số phận của con người: ngây thơ, yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi, trước khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.
– Chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho đời sống: có thời giờ cho các họat động tông đồ và có thời giờ để cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
– Để có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa, chúng ta cần tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện và tránh xa mọi chia trí của cuộc sống.
– Chúng ta cần trưởng thành trong đời sống để tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ không được hoàn toàn sống ỷ lại vào người khác.