Chủ Nhật 26 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 26 – Năm C – Thường Niên

 

Bài đọc: Amo 6:1a, 4-7; 1 Tim 6:11-16; Lk 16:19-31.

1/ Bài đọc I: 1 Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri, 4 Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. 5 Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. 6 Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ! 7 Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày.
Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!

2/ Bài đọc II: 11 Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. 13 Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: 14 hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện. 15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. 16 Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. A-men.

3/ Phúc Âm: 19 “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.

20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,

21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!

25 Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,

28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” 29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.

31 Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết quản lý của cải Thiên Chúa ban.

Bài học giáo dục về việc xử dụng tiền của đúng chỗ và đúng mức rất cần cho cuộc sống, vì đại đa số con người qua bao thời đại đều không biết bài học này. Hậu quả là không biết bao nhiêu người rơi vào cám dỗ của bẫy tiền mà quỉ thần đã khôn khéo giăng ra, để rồi phải chịu những hậu quả tai hại cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và Giáo Hội, cả đời này và đời sau.

Các bài đọc hôm nay rất cần thiết để các tín hữu chúng ta học hỏi và suy xét, để rồi rút ra những bài học cụ thể cho chính mình trong cách xử dụng tiền của và giáo dục những người chúng ta có trách nhiệm.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos cảnh cáo vua chúa và những nhà lãnh đạo trong cả hai vương quốc Israel và Judah, đã lạm dụng chức quyền để lãng phí tiền của vào những cuộc vui chơi trác táng, mà không chịu hoàn thành sứ vụ được trao là lo cho dân hiểu biết Thiên Chúa và mưu cầu cơm no áo ấm cho mọi người trong nước. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ của mình hãy tránh xa mọi cám dỗ bất chính do lòng ham mê tiền của gây ra, và biết dùng thời giờ để luyện tập nhân đức để giành cho được cuộc sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa cho các tín hữu trong ngày Đức Kitô quang lâm. Trong Phúc Âm, thánh Lucas đưa ra câu truyện của hai nhân vật: ông đại phú và anh dân nghèo Lazarô, để nhắc nhở mọi người hãy biết sống làm sao để đạt hạnh phúc đời đời, vì cuộc sống đời sau là phản ngược của cuộc sống đời này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Khốn cho những ai chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!

1.1/ Người giầu làm những việc vô nghĩa.

Ngôn sứ Amos viết những lời khiển trách nặng nề này tại vương quốc Israel cho cả vua chúa và các nhà lãnh đạo tại hai vương quốc Judah và Israel, khi cả hai vương quốc này chưa bị thất thủ và lưu đày: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samaria.” Sion là thủ đô của vương quốc Judah và Samaria là thủ đô của vương quốc Israel. Những nhà lãnh đạo tại Sion nghĩ họ đã có Đền Thờ Jerusalem, nơi Thiên Chúa ngự trị; vì thế, sẽ không có quyền lực nào có thể phá nổi Nhà của Đức Chúa. Những nhà lãnh đạo của Samaria cũng nghĩ tương tự như thế, vì chính Thiên Chúa đã ra lệnh tách quốc gia ra làm đôi, và họ cũng có đền thờ của Đức Chúa tại Bethel bảo vệ. Họ nghĩ là quốc gia cứ an vui như vậy mãi để họ tiếp tục hưởng thụ của cải họ đang có. Hai điều mà ngôn sứ Amos liệt kê:

(1) Giầu có làm con người tốn của vào những việc vô ích: Giường là chỗ để nghỉ ngơi dưỡng sức, con người chỉ cần một khung giường và một tấm phản, hay một tấm nệm cho những ai sợ đau lưng; chứ con người không cần một giường làm bằng ngà voi, hay gỗ quí, hay cẩn xà cừ. Tất cả những thứ phụ thuộc đó chỉ là để phô trương sự giàu có của mình. Theo phong tục Do-thái, giết chiên non hay bê béo thường là để làm của lễ hy sinh hay tiếp đón khách quí; chứ không phải là điều làm thường xuyên hay mỗi ngày.
(2) Giầu có làm con người tốn thời gian cho việc hưởng thụ: Phú quí sinh lễ nghĩa hay ăn no rồi rửng mỡ. Thay vì phải dùng thời giờ cho những việc dạy dỗ và quản trị dân chúng, sau khi đã no say, họ lại quay qua đàn hát để giải trí. Họ sáng chế nhạc cụ để ca hát những bài ca đã nghe được trong cung điện các nơi, như để biểu lộ sự giàu sang hưởng thụ của triều đại mình.

1.2/ Họ chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ: Nhà Giuse mà ngôn sứ Amos dùng ở đây ám chỉ sự sắp sụp đổ của cả hai vương quốc. Theo ông, hai tội to lớn mà vua chúa và toàn dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa:

(1) Bỏ quên Thiên Chúa: Vua chúa và các nhà lãnh đạo đã chạy theo tiền của và bỏ quên Thiên Chúa. Họ không còn nghĩ đến những lời dạy bảo của Thiên Chúa; vì nếu nghĩ tới, họ sẽ không dám làm như vậy.

(2) Bất công xã hội: Giầu có thường liên quan đến bất công xã hội. Một số những bất công ngôn sứ Amos đã liệt kê trong những chương trước như: thâm lạm công quĩ, ăn của hối lộ, lấy của người nghèo, mua bán gian lận…

Hậu quả là cả hai vương quốc sẽ bị quân thù phương Bắc san phẳng và đem đi lưu đày. Vua chúa và những nhà lãnh đạo sẽ là những người dẫn đầu trong cuộc lưu đày và họ sẽ nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Những lời tiên báo của ngôn sư Amos đã trở thành hiện thực khi vương quốc miền bắc bị thất thủ năm 721 BC bởi Assyria, và vương quốc miền Nam bị thất thủ năm 587 BC. bởi tay vua Babylon.

2/ Bài đọc II: Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách.

2.1/ Cách sống của người môn đệ Chúa: Phaolô gọi Timothy, môn đệ của mình, với một danh xưng cao trọng là “người của Thiên Chúa.” Trong Cựu Ước, Moses và các ngôn sứ được gọi là người của Thiên Chúa. Mục đích của Phaolô là khuyên Timothy phải sống đúng với danh xưng này, người của Thiên Chúa phải sống khác với người của thế gian. Phaolô liệt kê những điều Timothy phải làm:

(1) Hãy tránh xa những cám dỗ mà giầu có mang lại: Dựa vào những gì Phaolô đã nói trước trình thuật hôm nay, “những điều đó” chỉ lòng lo lắng những sự đời này và bỏ quên Thiên Chúa để chạy theo những cám dỗ của tiền bạc mang lại.

(2) Hãy cố gắng luyện tập nhân đức: để trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. Khi không chịu ảnh hưởng của tiền của, các tín hữu sẽ có khôn ngoan và nhiều thời gian để học hỏi và luyện tập nhân đức theo những đòi hỏi của Thiên Chúa.

(3) Hãy giành cho được sự sống đời đời: Đây là lý do cao trọng và trên hết mà các tín hữu phải luôn nhớ mình được kêu gọi để đạt tới. Thánh Phaolô có lẽ nhắc lại lời tuyên xưng của Timothy khi chịu phép Rửa Tội là bỏ tà thần và mọi quyến rũ bất chính của nó, đồng thời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa và cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô cũng cho Timothy một mẫu gương để Timothy noi theo là gương của Đức Kitô. Ngài đã can đảm tuyên nhận mình là “Vua dân Do-thái;” cho dẫu lời tuyên xưng này đem lại bản án tử hình cho Ngài.

(4) Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách.

2.2/ Đức Kitô sẽ xuất hiện và ban phần thưởng là cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô cũng nhắc lại hai điều cốt cán của đức tin: (1) Đức Kitô sẽ trở lại để phán xét con người: Con người sẽ phải trả lời với Ngài và chịu trách nhiệm cho những gì họ đã làm trên trần gian. (2) Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà mọi người phải hướng về, chứ không phải là của cải thế gian hay bất kỳ điều gì khác.

3/ Phúc Âm: Hậu quả của hai lối sống trái ngược nhau

3.1/ Cuộc sống đời này

(1) Lối sống vô tâm của phú gia: Quần áo chỉ là vật dùng để che thân, trong khi người nghèo không có quần áo đủ để mặc, ông nhà giàu mặc “toàn lụa là gấm vóc.” Lương thực giúp cho con người có đủ dinh dưỡng để sinh sống, trong khi người nghèo không có một bữa ăn no, ông nhà giàu “yến tiệc linh đình hằng ngày.”

(2) Cuộc sống đau khổ nhưng tin tưởng nơi Thiên Chúa của Lazarô: Lazarô không những nghèo còn mang bệnh tật đau đớn trên mình. Ông nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

Chúng ta không thể suy tán những gì trình thuật không đề cập tới, chúng ta chỉ có thể chú trọng đến hai tội của ông nhà giàu: (1) Ông không quan tâm gì đến nhu cầu của tha nhân: Lazarô nằm trước cửa nhà ông, khi ra vào lui tới ông đều gặp; nhưng ông đã quá hững hờ, vô tâm, vô cảm trước sự thiếu thốn và nỗi đau của đồng loại. (2) Ông không nghĩ gì đến cuộc sống đời sau hay kể gì đến lời dạy của Thiên Chúa; nếu ông nghĩ, ông sẽ không làm như thế.

Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

3.2/ Cuộc sống đời sau: là ngược hẳn lại những gì của cuộc sống đời này.

(1) Của ông nhà giàu: Ông không một chút quan tâm gì đến sự nghèo đói và đau đớn vì ghẻ lở của Lazarô, chưa bao giờ ông bố thí cho Lazarô một mẩu bánh; thế mà giờ đây ông lại xin: “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Chúa Giêsu đã từng nói: Anh dùng đấu nào đong cho tha nhân Thiên Chúa cũng dùng đấu ấy đong lại cho anh.

(2) Của Lazarô: Tên tiếng Do-thái là Eleazar, có nghĩa: Thiên Chúa là nguồn hy vọng của con. Tổ phụ Abraham cắt nghĩa rõ ràng về hậu quả của hai lối sống cho ông nhà giàu và cho Lazarô: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

3.3/ Làm sao trị bệnh vô tâm, hờ hững? Ông nhà giàu vẫn còn thương nhớ đến tình ruột thịt nên nài nỉ tổ phụ Abraham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” Tổ phụ Abraham đáp: “Chúng đã có Moses và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.”

Đây là lời cảnh tỉnh cho những người vô tâm, hờ hững. Không phải khi thấy phép lạ xảy ra hay người chết hiện về là một người thay đổi lối sống. Họ phải chịu khó bỏ giờ học hỏi và nghiên cứu những lời dạy của Moses và các ngôn sứ, để hiểu rõ và sau đó mang ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Bệnh vô tâm hững hờ không trị liệu bằng các phép lạ; nhưng là bắt đầu bằng việc biết sự thật và sống theo sự thật.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Của cải Thiên Chúa ban là của chung cho mọi người được hưởng. Con người không được ích kỷ để chỉ biết tiêu xài cho mình, mà không biết quan tâm đến những người nghèo khổ chung quanh. Chúng ta hãy có tinh thần tương thân tương ái để giúp đỡ những anh chị em túng nghèo. Giúp đỡ họ được kể là giúp đỡ chính Thiên Chúa.

– Hãy luyện tập để có trái tim biết rung động và dạy cho con cái có lòng thương xót người nghèo. Nếu không, trái tim dần sẽ trở thành chai đá không còn biết cảm thương đồng loại nữa. Một trái tim như thế sẽ gây nhiều khổ đau cho chính mình và cho tha nhân.

– Thiên Chúa không luận phạt sự giầu có, Ngài cũng không biểu dương sự nghèo đói; điều Ngài muốn nhấn mạnh là phải biết quản lý khôn khéo sự giầu có Ngài ban cho để mưu cầu lợi ích cho bản thân ở đời này và nhất là cho cuộc sống đời đời mai sau.

Skip to content