Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Sáu – Tuần 22 – TN2
Bài đọc: 1 Cor 4:1-5; Lk 5:33-39.
1/ Bài đọc I: 1 Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
2 Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành.
3 Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.
4 Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa.
5 Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.
2/ Phúc Âm: 33 Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống! “
34 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?
35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”
36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.
37 “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.
38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.
39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vấn đề xét đoán.
Xét đoán là điều con người thường xuyên làm trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải xét đoán nào cũng đúng và có giá trị ngang nhau. Các Bài đọc hôm nay nói về các lọai phán đoán và vạch ra cái đúng cũng như sai của nó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dân thành Corintô xét đoán Phaolô.
Thánh Phaolô không muốn cho người ta gọi ngài, người rao giảng của Chúa Kitô là nhà lãnh đạo, nhưng muốn được gọi là: đầy tớ (huperétes) và quản gia (hoikonómos). Người đầy tớ là người làm theo ý của chủ mình khi được ra lệnh. Người quản gia chịu trách nhiệm mọi việc trong nhà: điều khiển các người làm việc, mua bán những vật dụng cần thiết và giữ sổ sách cho chủ. Tuy quyền hành có cao hơn những đầy tớ khác, nhưng đối với chủ, người quản gia cũng chỉ là đầy tớ. Điều này có thể áp dụng cho mọi chức vụ trong Giáo Hội, cho dẫu có bao nhiêu quyền hành hay danh vọng, họ vẫn chỉ là đầy tớ của Chúa Kitô.
Đặc tính của người quản gia là phải đáng tin cậy vì chủ đặt trọn vẹn niềm tin nơi ông. Vì vậy, ông sẽ bị xét xử từ 3 nguồn:
1.1/ Xét xử bởi người đời: Thánh Phaolô khẳng định: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì.” Thông thường những xét xử của người đời không chính xác cho lắm vì không nắm giữ được toàn bộ các dữ kiện liên quan; nhất là còn bị ảnh hưởng bởi nhiều những nguyên do khác: chủ quan, ghen tương, lấy điểm… Tuy nhiên, những nhận định này là buớc đầu giúp đương sự kiểm điểm các hành động của mình. Thánh Phaolô có lẽ thốt lên những lời trên sau khi đã tự kiểm điểm mình trước tôn nhan Chúa.
1.2/ Xét xử bởi chính mình: Thánh Phaolô cũng xác quyết: “Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.” Những lời này cho thấy sự cẩn thận của Phaolô: Cho dù mình xét xử chính mình cũng chưa chắc hòan toàn đúng vì có thể bị chi phối bởi tính tự mãn, kiêu ngạo, hay tự đánh lừa. Tuy nhiên, tự xét mình cần thiết trong tiến trình trở nên hoàn hảo. Phải biết mình trước khi biết các tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
1.3/ Xét xử bởi Thiên Chúa: Đây là sự xét xử mà Phaolô quan tâm tới và chỉ xét xử bởi Thiên Chúa mới hòan toàn đúng vì: (1) Chỉ mình Ngài biết mọi hòan cảnh liên quan tới việc làm của đương sự; (2) Chỉ mình Ngài nhìn thấu những lý do tại sao đương sự làm những việc đó; (3) Chỉ Thiên Chúa không bị chi phối bởi bất kỳ giới hạn nào như con người.
Vì những lý do này, nên Thánh Phaolô khuyên: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.”
2/ Phúc Âm: Các Biệt-phái và Kinh-sư xét đoán Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.
Đối với các Biệt-phái và Kinh-sư, cầu nguyện và ăn chay là hai tiêu chuẩn dùng để xét xử con người có đạo đức hay không, và một cách gián tiếp, đánh giá người Thầy của các môn đệ đó. Bằng một câu hỏi, họ đã xét xử và kết tội Chúa và các môn đệ của Ngài là những người không đạo đức vì mê ăn uống. Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Biệt-phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”
Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Mục đích của việc ăn chay, theo truyền thống của người Do-thái, là dâng chính thân xác mình để cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Các môn đệ không cần phải ăn chay vì họ đang có Chúa hiện diện giữa họ. Chàng rể là Chúa Giêsu và khách dự tiệc là những môn đệ của Chúa. Sẽ có ngày Chúa Giêsu rời bỏ các môn đệ, lúc đó họ sẽ ăn chay.
Thời đại nào cũng có sự phân biệt và giằng co giữa cái mới và cái cũ. Có những người luôn chống lại với cái mới và tìm mọi cách để bảo vệ cái cũ như các Biệt-phái và Kinh-sư hôm nay. Chúa Giêsu không hoàn toàn chống lại những cái cũ của họ vì có những cái cũ tốt cần được giữ lại, nhưng Chúa muốn cho họ chấp nhận những cái mới để kiện toàn những cái cũ, hay lọai bỏ đi những cái cũ không hay. Nhưng để có thể chấp nhận những cái mới, họ cần có một tâm hồn hay trái tim mới. Ngài dùng hai dụ ngôn này để dẫn chứng điều này:
(1) “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Khi vá áo, con người thường chọn miếng vá từ những vải dư thừa hay áo cũ chứ không ai dại cắt miếng vá từ áo mới. Không những thế, họ còn phải chọn miếng vá nào cùng mầu và cùng độ giãn với áo cũ; nếu không, độ giãn của miếng vá mới sẽ làm cho chỗ rách tệ hại hơn.
(2) “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.”” Bầu da mới có độ co giãn trong khi bầu da cũ đã khô và mất hết độ co giãn. Rượu mới có rất nhiều áp suất, đó là lý do tại sao phải đổ vào bầu da mới. Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng giống như những người thích uống rượu cũ, vì họ luôn bảo vệ những truyền thống và quay lưng lại với những thay đổi mới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng vội xét đóan tha nhân khi chưa có đủ bằng chứng.
– Chúng ta đừng quá chú trọng đến những lời phê bình chỉ trích của tha nhân cũng đừng quá chắc chắn với lối nhìn chủ quan của mình; chỉ có phán xét của Thiên Chúa mới hoàn toàn đúng.
– Chúng ta không nên mù quáng bảo vệ tất cả cái cũ, nhưng cũng đừng mang thái độ “có mới nới cũ.” Chúng ta cần khôn ngoan để mở lòng tiếp nhận cái mới tốt và có can đảm để vứt đi những cái cũ xấu.