Thứ Bảy – Tuần I – MC

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần I – MC

Bài đọc: Deut 26:16-19; Mt 5:43-48.

1/ Bài đọc I16 Hôm nay, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, truyền cho anh em đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy.

17 Hôm nay, anh em đã làm cho ĐỨC CHÚA tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh em, rằng anh em phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người.

18 Hôm nay, ĐỨC CHÚA đã khiến anh em tuyên bố rằng anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người như Người đã phán với anh em, và rằng anh em sẽ giữ mọi mệnh lệnh của Người,

19 rằng Người sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh em sẽ là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, như Người đã phán.

2/ Phúc Âm43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.

44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?

47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?

48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trở nên hòan thiện bằng yêu thương kẻ thù.

Tự do chọn lựa là hành động căn bản nhất của con người và được làm hằng ngày. Khi phải chọn lựa, con người thường dựa trên một số tiêu chuẩn căn bản như: mục đích, tiện lợi, dễ dàng, bền, rẻ, đẹp … Ví dụ, khi con người chọn những nhà lãnh đạo để điều khiển quốc gia, thành phố, đòan thể, họ thường lựa chọn những cá nhân có khả năng hơn người thường, để có thể chu tòan sứ vụ được trao phó.

Thiên Chúa, Đấng dựng nên tất cả, cũng chọn lựa dân tộc và các cá nhân để thi hành thánh ý của Ngài. Lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước thể hiện đầy đủ những sự lựa chọn của Thiên Chúa: chọn Israel, Abraham, Moses, Aaron, Joshua, Vua Saul, các tiên-tri, Chúa Giêsu … Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến lý do tại sao Thiên Chúa chọn dân tộc hay nhóm người. Trong Bài Đọc I, tác giả đưa ra lý do tại sao Thiên Chúa chọn dân tộc Israel là dân tộc riêng của Ngài: để tuân giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ, vì các môn đệ được kêu gọi để trở nên hòan thiện như Cha trên trời là Đấng hòan thiện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải hết lòng tuân giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ, mệnh lệnh của Chúa.

1.1/ Israel là dân tộc được Thiên Chúa chọn: Một trong những điều chính yếu Sách Đệ Nhị Luật muốn nhấn mạnh tới là Thiên Chúa chọn Israel. Đức Chúa tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh em, và anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người. Anh em sẽ là một dân tộc thánh hiến cho Đức Chúa. Tại sao Thiên Chúa chọn Israel trong bao nhiêu những dân tộc khác? Thiên Chúa chọn dân tộc Do-Thái vì họ là con cái của tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa chọn và chúc lành cho giòng dõi Abraham, vì Tổ phụ hết lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài.

1.2/ Dân tộc được chọn phải khác với các dân tộc khác: Vì Israel là dân tộc được chọn, nên họ phải phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tác giả Sách Đệ Nhị Luật liệt kê bổn phận và quyền lợi của dân tộc Israel:

(1) Bổn phận: “Anh em phải đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy.”

(2) Quyền lợi: “Thiên Chúa sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng, và vinh quang.”

Sự lựa chọn của Thiên Chúa là lựa chọn có điều kiện: Ngài lựa chọn dân tộc Israel để thi hành ý muốn của Ngài. Một cách cụ thể qua Giao Ước Sinai với Moses: Nếu họ giữ các giới luật của Thiên Chúa, họ sẽ là dân riêng của Ngài, và được Ngài che chở và gìn giữ. Nếu không, Thiên Chúa sẽ không nhận và không bảo vệ họ nữa. Các tiên tri của Cựu Ước đã nhiều lần nhắc nhở dân về sự bất trung của họ và cơn giận của Thiên Chúa.

– Amos: Tôi thấy Chúa Thượng đứng bên cạnh bàn thờ. Người phán: “Đập vào đầu trụ cho khung cửa lung lay! Phá khung cửa cho vỡ tan trên đầu cả bọn! Những đứa còn sót lại, Ta sẽ giết bằng gươm. Trong bọn chúng, không một tên trốn nổi, trong bọn chúng, không một đứa thoát thân” (9:1).

– Hosea: “Khốn cho chúng vì chúng đã lìa bỏ Ta. Chúng sẽ bị tiêu diệt, vì đã dám xúc phạm đến Ta. Ta, Ta muốn giải cứu chúng, còn chúng lại nói lời gian dối phạm đến Ta” (7:13).

2/ Phúc Âm: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

2.1/ Hãy yêu thương kẻ thù: Chúa Giêsu biết rõ những gì Luật dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Nhưng Ngài dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Ngài biết con người không dễ để yêu kẻ thù; nhưng con người có thể làm được chuyện đó nếu họ được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa.

– Điểm đầu tiên chúng ta cần chú ý là động từ “yêu,” đặc biệt dùng ở đây là avgapa,w. Động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Hai động từ yêu khác trong tiếng Hy-Lạp là ejréevw và file,w. Con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa trước: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Jn 15:4). Sau khi thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, họ có thể yêu kẻ thù bằng tình yêu này: “Như Thầy yêu anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Jn 13:34).

– Cầu nguyện cho kẻ thù là cách tốt nhất để tha thứ và bắt đầu yêu thương họ. Nếu không cầu nguyện cho họ, cũng không thể tha thứ. Chúa Giêsu không chỉ dạy, nhưng Người đã làm gương cho môn đệ, khi cầu xin cho những người đã bách hại Ngài trên Thập Giá: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lk 23:34). Thánh Stephanô, tử đạo tiên khởi, cũng bắt chước gương Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Acts 7:60).

2.2/ Lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 2 lý do:

(1) Anh em là con Thiên Chúa: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Chúa yêu thương mọi người, vì mọi người đều là con cái của Ngài: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” Chúng ta yêu thương mọi người, vì mọi người đều là anh chị em chúng ta. Hơn nữa,

– Anh em phải khác người thu thuế: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”

– Anh em phải khác người ngọai đạo: “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

(2) Được kêu gọi để trở nên hòan thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Trở nên hòan thiện đòi một luật sống khác với người thường; nếu không chúng ta cũng chỉ là người tầm thường như họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy nơi chúng ta một lối sống không tầm thường, họ có thể nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta là những người được chọn để sống cho Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải sống theo lối sống của Thiên Chúa đề ra.

– Một trong những đòi hỏi của lối sống môn đệ Chúa là phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta. Từ chối không thi hành điều Chúa Giêsu dạy cũng đồng nghĩa với việc từ chối làm môn đệ Chúa.

– Để có thể thực hiện điều khó khăn này, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa.

Skip to content