Thứ Hai – Tuần 25 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần 25 – TN1

Bài đọc: Ezr 1:1-6; Lk 8:16-18.

1/ Bài đọc I: 1 Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời ĐỨC CHÚA phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, ĐỨC CHÚA tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau:

2 “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa.

3 Vậy ai trong các ngươi thuộc dân Người, thì xin Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy lên Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa và xây Nhà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en. Chính Người là Thiên Chúa ngự tại Giê-ru-sa-lem.

4 Và mọi người còn lại ở bất cứ nơi nào họ đang trú ngụ, phải được dân địa phương cấp cho bạc vàng, của cải và thú vật, cũng như lễ vật tự nguyện, để dâng cúng cho Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem.

5 Những người đứng đầu các gia tộc của Giu-đa và Ben-gia-min, các tư tế và các thầy Lê-vi, tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, trỗi dậy để đi lên xây Nhà ĐỨC CHÚA ở Giê-ru-sa-lem.

6 Mọi người hàng xóm láng giềng đều mạnh tay giúp họ: bạc, vàng, của cải, thú vật, những đồ vật có giá, không kể mọi lễ vật tự nguyện.

2/ Phúc Âm: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.

Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.

Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có uy quyền điều khiển tâm trí con người.

Thay đổi tâm tính một người là điều không thể đối với con người; nhưng là điều có thể đối với Thiên Chúa, vì Ngài có uy quyền điều khiển tâm trí người đó từ bên trong.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật uy quyền điều khiển tâm trí con người. Trong bài đọc I, Sách Ezra tường thuật biến cố vua Cyrus của Ba-tư, được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, đã ban chiếu chỉ phóng thích dân Do-thái, cho về hồi hương để tái thiết Đền Thờ tại Jerusalem, xứ Judah. Không những thế, ông còn lo lắng cho dân Do-thái có đủ tài chánh để hoàn thành việc tái thiết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy biết sống thành thực và làm gương sáng, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sụ xảy ra trong tâm hồn con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất.

1.1/ Đức Chúa tác động trên tâm trí Cyrus, vua Ba-tư: Ngôn-sứ Jeremiah đã loan báo trước Thời Lưu Đày là 70 năm (Jer 25:12; 29:10). Việc vua Cyrus làm là để được ứng nghiệm những gì đã được loan báo bởi ngôn sứ Jeremiah khi chưa bị lưu đày. Điều này cho thấy mọi việc xảy ra là trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Trình thuật của Ezra hôm nay cho chúng ta một cái nhìn sâu bên trong làm thế nào Thiên Chúa điều khiển con người: Ngài tác động trên tâm trí con người. Nói cách khác, Ngài điều khiển tâm trí con người bằng việc gởi Thánh Thần của Ngài vào tâm hồn vua Cyrus, để Nhà Vua thi hành những gì Ngài muốn. Được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: “Cyrus, vua Ba-tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một Ngôi Nhà ở Jerusalem tại Judah.”

Vua Cyrus nhận ra Đức Chúa là Thiên Chúa trên trời, và chiến thắng của Nhà Vua tại Babylon là do sự sắp đặt của Thiên Chúa: “Ngài ban cho ta mọi vương quốc dươi đất.” Nhà Vua đón nhận thánh ý của Thiên Chúa để thực thi: “Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một Ngôi Nhà ở Jerusalem tại Judah.” Tại sao lại phải tái thiết Đền Thờ Jerusaem tại Judah, mà không xây một Đền Thờ khác ngay trong vương quốc? Thưa vì Thiên Chúa muốn như vậy. Không một quyền lực nào trong thế gian có thể điều khiển một Vua Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa thốt lên những lời này, chỉ có quyền lực của Thiên Chúa điều khiển tâm trí của Nhà Vua từ bên trong.

1.2/ Tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, hãy trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Jerusalem.

Sắc chỉ của Nhà Vua là thế; nhưng để tái thiết Đền Thờ, cần đến nhiều việc phải xảy ra:

(1) Dân Do-thái phải ao ước được về Jerusalem: Tuy sống khổ cực trong nơi Lưu Đày, nhưng phải về quê hương để tái thiết Đền Thờ vơi hai bàn tay trắng là điều không dễ làm. Điều này cũng được vua Cyrus nói đến: “Những người đứng đầu các gia tộc của Judah và Benjamin, các tư tế và các thầy Lêvi, tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Jerusalem.”

(2) Phải có tài chánh để xây dựng Đền Thờ: Tái thiết Đền Thờ Jerusalem là một công trình khó khăn đòi rất nhiều tài chánh. Vua Cyrus không những phóng thích cho dân Do-thái về xây dựng Đền Thờ, lại còn lo lắng cho họ có đủ tài chánh để hoàn thành nhiệm vụ. Vua truyền cho dân chúng như sau: “Và mọi người còn lại ở bất cứ nơi nào họ đang trú ngụ, phải được dân địa phương cấp cho bạc vàng, của cải và thú vật, cũng như lễ vật tự nguyện, để dâng cúng cho Nhà Thiên Chúa ở Jerusalem. Mọi người hàng xóm láng giềng đều mạnh tay giúp họ: bạc, vàng, của cải, thú vật, những đồ vật có giá, không kể mọi lễ vật tự nguyện.” Nói cách khác, giống như hồi dân Do-thái còn ở bên Ai-cập trước khi xuất hành, Thiên Chúa “tác động trên tâm trí” của dân chúng trong đế-quốc Ba-tư để họ tình nguyện giúp dân Do-thái hoàn thành dự án của cua Cyrus.

2/ Phúc Âm: Cuộc sống của Kitô hữu.

Đọan Phúc Âm tuy rất ngắn nhưng cho chúng ta 3 tư tưởng chính tương ứng với 3 câu:

2.1/ Đời sống của Kitô hữu là làm gương sáng cho mọi người chung quanh. Chúng ta có thể rao giảng bằng Lời Chúa hay bằng chính cuộc sống của chúng ta. Điều mong ước nhất là làm sao cho có cả hai như tục ngữ Việt Nam dạy: “Lời nói phải đi đôi với hành động.” Nếu không được cả hai, rao giảng bằng việc làm vẫn hữu hiệu hơn; vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Nhưng có người lại cho rằng Chúa đã từng sửa trị các Kinh-sư và Biệt-phái về tính phô trương làm việc lành của họ; vì thế không nên làm điều tốt trước mặt mọi người. Đúng, nhưng có sự khác biệt giữa làm việc tốt trong thinh lặng và khua chiêng trống khi làm việc tốt cho người khác biết.

2.2/ Đời sống của Kitô hữu là biết sống thành thật: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.” Có 3 trường hợp con người muốn che giấu:

(1) Con người có thể giấu chính mình bằng cách không chấp nhận sự thật. Ví dụ, biết mình có tội nhưng vẫn cứ tìm lý do để tự biện hộ cho mình và không coi đó là tội.

(2) Con người có thể giấu tha nhân, nhưng con người sẽ không hạnh phúc vì lúc nào cũng lo sợ bị người khác khám phá.

(3) Sau cùng, có người nghĩ họ có thể giấu được Thiên Chúa như trường hợp của Cain khi Chúa hỏi “Em ngươi đâu?”

2.2/ Đời sống Kitô hữu là cuộc sống không ngừng cố gắng để trở nên hoàn thiện, “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” Điều này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp:

– Trong lãnh vực tri thức nhất là ngọai ngữ: Nếu cố gắng trau dồi mỗi ngày thì khả năng sinh ngữ sẽ mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, nhưng nếu không dùng tới thường xuyên, vốn liếng đã có sẽ từ từ tàn lụi đi và mất hẳn.

– Trong lãnh vực đức tin cũng thế như Chúa đã ví việc nghe và thực hành Lời Chúa như người xây nhà trên đá: Nếu cố gắng sống đức tin theo những gì Chúa dạy, thì đức tin mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời; nhưng nếu lười biếng không chịu thực hành đức tin, thì đức tin sẽ mỗi ngày một tàn lụi đi và sẽ bị bão táp cuốn đi như người xây nhà trên cát.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất. Ngài không chỉ điều khiển từ bên ngoài, nhưng còn cả tâm trí con người bên trong. Chúng ta hãy ngoan ngoãn và vâng lời làm theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa.

– Chúng ta đã lãnh nhận ngọn nến cháy sáng khi chịu bí-tích Rửa Tội và đã hứa trước mặt Hội Thánh sẽ giữ ngọn đèn cháy sáng mãi cho tới ngày ra đón Chúa Kitô khi Ngài trở lại. Ngọn đèn sáng là đức tin của chúng ta: Nó phải luôn tỏa gương sáng cho mọi người chung quanh bằng cuộc sống tốt lành và thành thật. Nó cũng phải được luôn tăng trưởng mỗi ngày để có thể đứng vững trước mọi thử thách đau khổ của cuộc đời. 

Save

Save

Save

Skip to content