Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Năm – Tuần 1 – TN2
Bài đọc: I Sam 4:1-11; Mk 1:40-45.
1/ Bài đọc I (năm chẵn): Trong những ngày ấy, 2 người Phi-li-tinh dàn quân đối diện với quân Ít-ra-en, cuộc chiến trở nên ác liệt và Ít-ra-en bị người Phi-li-tinh đánh bại: tại mặt trận, ở ngoài đồng, chúng đã giết chừng bốn ngàn người. 3 Khi dân trở về trại, các kỳ mục Ít-ra-en nói: “Sao hôm nay Đức Chúa để chúng ta bị người Phi-li-tinh đánh bại? Chúng ta hãy đi Si-lô lấy Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa về: Hòm Bia sẽ đến giữa chúng ta và sẽ cứu chúng ta khỏi bàn tay quân thù.” 4 Dân sai người đi Si-lô; từ đó họ mang về Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá; ở đó, bên cạnh Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa, có hai con ông Ê-li là Khóp-ni và Pin-khát.
5 Khi Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa xuống trại, toàn thể Ít-ra-en hò reo vang dội khiến đất rung chuyển. 6 Người Phi-li-tinh nghe thấy tiếng hò reo thì hỏi nhau: “Tiếng hò reo vang dội ấy trong trại bọn Híp-ri là gì vậy?” Chúng biết là Hòm Bia Đức Chúa đã đến trại.
7 Người Phi-li-tinh sợ hãi, vì chúng nói: “Một vị thần đã đến trại!” Chúng bảo nhau: “Khốn thân ta, vì trước đây không có như vậy! 8 Khốn thân ta! Ai sẽ giải thoát ta khỏi tay những thần hùng mạnh ấy? Đó là những thần đã dùng mọi thứ đòn mà đánh phạt người Ai-cập trong sa mạc.
9 Hỡi người Phi-li-tinh, can đảm lên, hãy tỏ ra là nam nhi, kẻo phải làm nô lệ cho bọn Híp-ri như chúng đã làm nô lệ cho anh em. Hãy tỏ ra là nam nhi và chiến đấu!”
10 Người Phi-li-tinh giao chiến. Ít-ra-en bị đánh bại và ai nấy chạy trốn về lều của mình. Đó là một đòn rất đau: về phía Ít-ra-en có ba mươi ngàn bộ binh tử trận.
11 Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai con ông Ê-li là Khóp-ni và Pin-khát bị giết.
2/ Phúc Âm: 40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” 42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bất tuân lệnh Thiên Chúa sẽ phải lãnh nhận hậu quả xấu.
Trong cuộc sống, mọi người chúng ta đều nhận ra nguyên tắc: nếu muốn kết quả tốt đẹp, phải thi hành những điều kiện đòi hỏi; vì nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ phải lãnh mọi hậu quả xấu. Ví dụ, để có thể lành bệnh, con người phải làm theo những gì bác sĩ căn dặn; nếu không, sẽ không khỏi bệnh. Để có thể thu thập kiến thức và đạt được điểm cao, học sinh phải lắng nghe giáo sư và viết lại những gì giáo sư nói; nếu nói ngược lại và không có lý do chứng minh, sẽ bị điểm xấu và có thể bị ở lại lớp.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải vâng lời Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, nếu muốn được Thiên Chúa săn sóc và ban ơn. Làm ngược lại những gì Thiên Chúa dạy là tự chuốc hậu quả xấu cho mình. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, con cái Israel nghĩ nếu họ cứ mang Hòm Bia Thiên Chúa ra chiến trường, mà không cần biết có lệnh Thiên Chúa hay không, là sẽ toàn thắng quân thù. Kết quả là họ đã thảm bại và Hòm Bia Thiên Chúa rơi vào tay quân Philistines. Trong Phúc Âm, mặc dù đã được ngăn cấm bởi Đức Kitô, người phong hủi vẫn không vâng lời. Sự bất tuân của anh làm cho Chúa Giêsu không thể vào thành và dạy dỗ dân chúng được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm chẵn): Sao hôm nay Đức Chúa để chúng ta bị người Philistines đánh bại?
1.1/ Đừng nghĩ Thiên Chúa luôn bảo vệ mà dân chúng không cần ăn năn: Trong lịch sử Cựu Ước, cứ khi nào dân chúng vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa dạy, họ được Ngài bảo vệ khỏi tay quân thù, và làm việc gì cũng thành công; nhưng khi họ bất tuân lệnh Thiên Chúa, Ngài sẽ bỏ mặc họ cho quân thù tứ bề xâu xé, và họ sẽ phải chịu mọi thảm bại cách nhục nhã. Trình thuật hôm nay là một dẫn chứng: Các con cái của thầy cả Eli là Hophni và Phinehas và nhiều người trong con cái của Israel càng ngày càng bất tuân lệnh Thiên Chúa. Hậu quả khi họ giao chiến với quân đội của Philistines, họ bị thảm bại và bị thiệt hại khoảng 4,000 người.
(1) Phản ứng của các kỳ mục Israel: Khi dân trở về trại, các kỳ mục Israel nói: “Sao hôm nay Đức Chúa để chúng ta bị người Philistines đánh bại? Chúng ta hãy đi Shiloh lấy Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa về: Hòm Bia sẽ đến giữa chúng ta và sẽ cứu chúng ta khỏi bàn tay quân thù.” Họ chỉ nghĩ đơn giản là họ sẽ chiến thắng quân thù nếu có sự hiện diện của Hòm Bia Thiên Chúa. Thế là họ sai người đi Shiloh; từ đó họ mang về Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá; ở đó, bên cạnh Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa, có hai con ông Eli là Hophni và Phinehas. Khi Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa xuống trại, toàn thể Israel hò reo vang dội khiến đất rung chuyển.
(2) Phản ứng của người Philistines: Khi người Philistines nghe thấy tiếng hò reo thì hỏi nhau: “Tiếng hò reo vang dội ấy trong trại bọn Do-thái là gì vậy?” Khi chúng biết là Hòm Bia Đức Chúa đã đến trại, chúng sợ hãi và nói với nhau: “Một vị thần đã đến trại!” Rồi chúng bảo nhau: “Khốn thân ta, vì trước đây không có như vậy! Khốn thân ta! Ai sẽ giải thoát ta khỏi tay những thần hùng mạnh ấy? Đó là những thần đã dùng mọi thứ đòn mà đánh phạt người Ai-cập trong sa mạc.” Nhưng vì bị dồn vào thế phải chiến đấu, nên người lãnh đạo quân đội Philistines phải lên tiếng động viên tinh thần các binh sĩ: “Hỡi người Philistines, can đảm lên, hãy tỏ ra là nam nhi, kẻo phải làm nô lệ cho bọn Do-thái như chúng đã làm nô lệ cho anh em. Hãy tỏ ra là nam nhi và chiến đấu!” Và họ tiến lên giao chiến với quân đội của Israel.
1.2/ Kết quả của cuộc chiến: Hôm đó là một cuộc thảm bại nhục nhã của Israel. Họ bị quân đội Philistines đánh bại tan tành. Phía Israel có ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai con ông Eli là Hophni và Phinehas bị giết. Số còn lại chạy trốn về lều của mình.
Con cái Israel học được một bài học: Không phải cứ có Hòm Bia Thiên Chúa là tự động được Thiên Chúa bảo vệ. Họ không thể điều khiển Thiên Chúa; nhưng bổn phận của họ là phải vâng lời Ngài, nếu muốn được Ngài bảo vệ.
2/ Phúc Âm: Người phong cùi được chữa lành, nhưng không nghe lời Thiên Chúa.
2.1/ Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu: Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Mục đích tại sao Chúa Giêsu làm phép lạ là vì thương bệnh nhân và muốn cho họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải để được tán dương ca tụng. Nếu sau khi lãnh nhận phép lạ, mà vẫn không tin vào Ngài, phép lạ đó coi như đã không đạt được mục đích.
2.3/ Anh được chữa lành phong hủi không nghe lời Chúa Giêsu: Trình thuật kể: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Chúng ta cứ thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho anh phong cùi này, nếu Chúa Giêsu là một ông vua hay nhà lãnh đạo quân sự?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Bổn phận của chúng ta là phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy.
– Vâng lời Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo đại diện cho Ngài không phải là hèn kém hay nô lệ, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan của chúng ta; vì chúng ta biết họ khôn ngoan và yêu thương chúng ta.
– Chúng ta được Thiên Chúa bảo vệ và gìn giữ không phải vì danh xưng là những người Kitô hữu; nhưng vì chúng ta vâng lời và thực hành những gì Ngài truyền dạy chúng ta.