Thứ Tư – Tuần 26 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Tư – Tuần 26 – TN2 – Năm Chẵn

 

Bài đọc: Job 9:1-12, 14-16; Lk 9:57-62.

1/ Bài đọc I: Đức công chính của Thiên Chúa vượt trên tất cả.

            Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói: Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa,

phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? Nếu ai thích tranh luận với Người, thì ngàn lần Người cũng không đáp lại một.

            Có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn? Người chuyển núi dời non mà chúng không hay, Người lật nhào chúng trong cơn thịnh nộ, Người làm rung chuyển móng nền cõi đất và cột trụ của nó phải lung lay. Người ra lệnh là mặt trời không mọc, Người niêm ấn lên các vì sao. Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả. Người làm ra Hùng tinh, Lạp Hộ, chòm Sao Mão và tinh tú Phương Nam. Người làm nên những điều vĩ đại khôn dò và những điều kỳ diệu không đếm xuể.

            Này, Người có đi qua tôi, tôi cũng chẳng thấy, Người có lướt tới, tôi cũng chẳng nhận ra. Này Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: “Ngài làm gì thế?”

            Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót. Tôi có kêu cầu và Người đáp lại, tôi cũng chẳng tin là Người nghe tiếng tôi.

2/ Phúc Âm: Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

            Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

            Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”                 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng của Thiên Chúa

             

            Cơn bão Ike rơi xuống Houston, Texas, ngày 5 tháng 9 năm 2008 vừa qua là một ví dụ cho chúng ta thấy uy quyền của Thiên Chúa và sự mỏng giòn của con người. Mặc dù đã biết trước thời gian khi nào xảy ra, tốc độ của gió, chiều rộng của bão, và đã chuẩn bị để đón bão; thế mà cả một thành phố lớn thứ tư trên nước Mỹ đã không ngăn cản được bão và hòan tòan bị tê liệt vì hậu quả của cơn bão này. Tất cả các sinh họat của thành phố bị hủy bỏ, cây cối gẫy đổ khắp nơi, truyền thông và giao thông hầu như tê liệt hòan tòan, hầu hết thành phố chìm trong bóng đêm khi mặt trời lặn xuống. Đấy chỉ là bão cấp 2 và nước không vào thành phố nhiều; nếu là bão cấp 5 thì hậu quả còn tai hại biết chừng nào. Nếu nước cứ tiếp tục dâng như Nạn Hồng Thủy thì còn ai sống sót trên thế gian? Các Bài đọc hôm nay dạy con người biết khả năng hạn hẹp của mình và tin tưởng nơi quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức công chính của Thiên Chúa vượt trên tất cả.

           

1.1/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt quá sự khôn ngoan của con người: Ông Gióp không tìm ra được lý do thỏa đáng tại sao ông phải chịu đau khổ. Các bạn ông tố cáo lý do tại sao ông phải đau khổ là vì tội lỗi ông đã phạm đến Thiên Chúa. Ông cực lực phản đối các bạn đã tố cáo ông; vì ông biết ông không bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tuy vậy, ông cũng không dám nhận mình là người công chính. Ông nói: “Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? … Có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn?” Ông biết khi ông tự nhận mình là công chính là ông đã ám chỉ Thiên Chúa bất công vì Ngài đã bắt người công chính chịu đau khổ. Vì thế, ông khiêm nhường nhìn nhận là mình không biết những gì xảy ra nơi Thiên Chúa.

           

1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa và sự mỏng giòn yếu đuối của con người: Con người chỉ là một phần tử rất nhỏ khi so sánh với các phần tử khác của vũ trụ. Nếu các phần tử to lớn khác như núi non, biển cả, mặt trời, các tinh tú còn phải chịu sự điều khiển của Thiên Chúa, thì con người là ai mà dám mong được thóat ra ngòai sự điều khiển của Thiên Chúa. Ông Gióp thú nhận thân phận mỏng giòn của con người và nhìn nhận uy quyền của Thiên Chúa trong vũ trụ: “Người làm nên những điều vĩ đại khôn dò và những điều kỳ diệu không đếm xuể. Này, Người có đi qua tôi, tôi cũng chẳng thấy, Người có lướt tới, tôi cũng chẳng nhận ra. Này Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: “Ngài làm gì thế?””

           

1.3/ Thái độ thích ứng của con người trước Thiên Chúa: Con người không thể cãi lý với Thiên Chúa vì không có khôn ngoan đủ để hiểu biết hết tất cả các điều kỳ diệu Chúa đã làm. Nếu cái bình không thể cãi lý với người thợ gốm tại sao để nó là nguyên vẹn là đất sét mà lại nặn lên nó thành hình dạng cái bình, thì con người cũng không thể chất vấn Thiên Chúa tại sao cho con người có mặt trong cuộc đời hay tại sao cho làm người này mà không cho làm người khác. Thái độ thích ứng nhất của con người không phải là tranh cãi mà chỉ biết vâng lời và trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa. Sau khi đã than thân trách phận và nguyền rủa ngày sinh của mình, ông Gióp hối hận và thốt lên: “Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót. Tôi có kêu cầu và Người đáp lại, tôi cũng chẳng tin là Người nghe tiếng tôi.”

 

2/ Phúc Âm: Con người sống bằng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

           

2.1/ Người môn đệ phải có thái độ sống như Chúa Giêsu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Con người có khuynh hướng tìm an tòan và tích trữ của cải cho tương lai, Chúa Giêsu thách đố các môn đệ từ bỏ khuynh hướng này và dạy con người phải hòan tòan tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ai không có can đảm theo lời Chúa dạy thì không thể làm môn đệ của Chúa, như chàng thanh niên giàu có đã buồn rầu bỏ đi vì anh có quá nhiều của cải.

           

2.2/ Mục đích trên hết và trước nhất của người môn đệ là loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Nhiều người cho rằng Chúa Giêsu khuyến khích việc bất hiếu với cha mẹ vì dưới mắt con người không chôn cất cha mẹ là mang tội bất hiếu. Chắc chắn Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ, nhưng đồng thời Chúa cũng dạy phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu việc chôn cất cha mẹ làm cản trở cho việc rao giảng Tin Mừng thì “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Làm sao kẻ chết có thể chôn kẻ chết? Điều Chúa muốn nói ở đây là hãy để con người phải chết chôn kẻ chết. Chúa sẽ quan phòng lo liệu để có người chôn cha mẹ mà không cần đến sự hiện diện của người con đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

           

2.3/ Người môn đệ không nuối tiếc những gì đã từ bỏ: Khi một người xin phép về từ biệt gia đình, Chúa Giêsu bảo người đó: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” Trong thực tế, lời khuyên này rất đúng cho kẻ cầm cày: để cày đất thẳng hàng, kẻ cầm cày không được ngóai lại đàng sau để nhìn; nếu làm như thế luống cày sẽ không thẳng. Trong cuộc đời tận hiến cũng vậy, nếu không dứt khóat từ bỏ, người tận hiến sẽ từ từ bị cám dỗ để lấy lại hết những gì mình đã từ bỏ: của cải vật chất, gia đình, ý riêng … nhiều khi còn lấy lại nhiều hơn những gì mình đã từ bỏ trước. Một khi đã quay trở về đường cũ, con người còn đâu nghị lực để làm chứng cho Tin Mừng?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta phải luôn tin tưởng vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cám dỗ muôn đời của quỉ dữ là làm cho con người tin tưởng vào chính mình. Một khi con người nghĩ mình có thể làm chủ cuộc đời của mình, Thiên Chúa sẽ không còn chỗ đứng trong cuộc đời con người.

            – Khi không hiểu được lý do của những việc xảy ra trong cuộc đời, chúng ta đừng vội trách Thiên Chúa bất công. Thái độ thích ứng nhất là chúng ta phải vững tin vào lòng thương xót Chúa và cầu xin để Ngài thêm sức chịu đựng hay cất khỏi nếu đẹp ý Ngài.

            – Mục đích của con người khi còn sống trong cuộc trần này là làm vinh danh Thiên Chúa chứ không phải để lo thu tích của cải cho mình và gia đình. Tất cả những gì ngăn cản việc làm vinh danh Chúa, chúng ta phải có can đảm để khước từ chúng. 

Skip to content