Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Lễ Kính Thánh Matthew, TĐ và Thánh Sử – Ngày 21 tháng 9.
Bài đọc: Eph 4:1-7, 11-13; Mt 9:9-13.
1/ Bài đọc I: 1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.
2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.
3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.
4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.
5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.
6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
7 Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho.
11 Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.
12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô,
13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.
2/ Phúc Âm: 9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.
11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”
12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.
13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy sống và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa.
Nhiều người, tuy chẳng tốt lành gì, nhưng hay tìm cơ hội để phê bình và luận tội tha nhân. Họ muốn giam hãm tha nhân trong quá khứ tội lỗi, và không cho tha nhân một cơ hội để làm lại cuộc đời. Án tử hình là một ví dụ. Ngược lại, Thiên Chúa luôn tìm cách tha thứ, và cho con người nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời như trường hợp của: Phaolô, Phêrô, Matthew, Mary Magdalene, Augustin, và hầu như tất cả mọi người. Lý do đơn giản, vì tất cả mọi người đều là con của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta niềm hy vọng làm lại cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô hãy biết sống cho đúng với ơn gọi mà họ đã được kêu mời và trang bị. Họ cần biết bảo vệ sự hiệp nhất và xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, theo như quà tặng đã được Thánh Thần ban cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chẳng những không kết tội và giam hãm Matthew trong ngục tù tội lỗi; Ngài còn cho ông cơ hội để làm lại cuộc đời và để trở thành môn đệ của Ngài. Khi bị chất vấn bởi các biệt-phái tại sao ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa thẳng thắn tuyên bố mục đích khi xuống trần gian của Ngài: ”Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy sống cho xứng đáng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.
1.1/ Ơn gọi là Kitô hữu: Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Ephesô từ nơi lao tù: “Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm nhường, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.”
(1) Bốn đức tính cần thiết để sống ơn gọi Kitô hữu: Để có thể sống chung với nhau, một người cần tập luyện để có những đức tính như sau:
+ Khiêm nhường (tapeinofrosune): để biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người không có đức tính này sẽ dễ dàng kiêu ngạo, khinh thường, và dễ dàng kết án anh chị em của mình.
+ Hiền từ (prauthe): để dễ dàng kiểm soát tính nóng giận của mình. Người tín hữu không tranh đua để dành phần thắng lợi cho mình; nhưng tìm mọi cách thích hợp để đưa mọi người về cho Thiên Chúa.
+ Kiên nhẫn (makrothumia): để chịu đựng những điều xảy ra trái với ý định của mình. Người kiên nhẫn không dễ nản chí khi gặp thử thách hay đòi phải nhìn thấy kết quả ngay; nhưng kiên trì chịu đựng trong gian khổ và cầu nguyện cho đến khi nhìn thấy kết quả.
+ Bác ái (agape): Đây là nhân đức đặc biệt chỉ có trong đời sống Kitô hữu. Với nhân đức này, người tín hữu có thể làm được những điều mà người ngoài Kitô Giáo không làm được, như: yêu thương và làm ơn cho kẻ thù, cầu nguyện cho những người bách hại mình, tha thứ không có giới hạn là bao nhiêu lần.
(2) Bảo vệ sự hiệp nhất: Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.” Người Kitô hữu có rất nhiều lý do để bảo vệ sự hiệp nhất trong Giáo Hội: Họ chỉ có một thân thể là Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô, một Chúa Thánh Thần, một niềm hy vọng là được sống đời đời. Họ chỉ có một Chúa và một niềm tin vào Đức Kitô, một phép rửa. Họ chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
1.2/ Mỗi người được Thánh Thần ban cho quà tặng khác nhau để xây dựng Nhiệm Thể: Mỗi người tín hữu là chi thể của một thân thể là Đức Kitô, và lãnh nhận ân sủng khác nhau từ cùng một Thánh Thần, để cùng nhau xây dựng thân thể của Đức Kitô. Ơn gọi làm Kitô hữu là ơn gọi chung của tất cả các tín hữu; tuy nhiên, mỗi tín hữu còn có những ơn gọi riêng khác nhau như: kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.
Nhờ những ơn gọi khác nhau này, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”
2.1/ Chúa Giêsu gọi Matthew: Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthew đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
(1) Lý do Chúa Giêsu gọi Matthew: Trước khi gọi, Chúa biết Matthew đang hành nghề thu thuế, một nghề mà người Do-thái xếp loại tội nhân công khai; vì làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng của mình bằng việc thu thuế. Chúa biết nguy hiểm của dư luận khi thu nhận ông vào hàng ngũ tông-đồ. Tuy nhiên, Chúa không giam ông trong ngục tù tội lỗi; nhưng muốn cho ông một cơ hội để mời gọi ông hướng tới tương lai. Hơn nữa, Chúa còn biết sẽ dùng ông vào việc gì trong việc rao giảng Tin Mừng: ghi nhận các sự kiện và viết Tin Mừng truyền lại cho mọi người.
(2) Phản ứng của Matthew: Lập tức, ông đứng dậy đi theo Ngài. Ông có lẽ rất ngạc nhiên vì không ngờ Chúa Giêsu không khinh thường ông như những người Do-thái khác, lại còn can đảm kêu gọi ông làm môn đệ. Phản ứng của Matthew cũng không kém can đảm: ông quyết định bỏ một nghề hái ra tiền để đi theo một người không có gì bảo đảm vật chất cho đời mình.
2.2/ Tranh luận giữa Chúa Giêsu với các người Pharisees: Đức Giêsu không chỉ gọi Matthew, Ngài còn chấp nhận dùng bữa công khai tại nhà ông ấy, cùng với nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.
(1) Phản ứng của những người Pharisees: Thấy vậy, những người Pharisees nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”
Họ có lý do để chất vấn, như cha mẹ Việt-nam vẫn đề phòng con cái: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Làm bạn với phường tội lỗi không sớm thì muộn cũng lây những tội lỗi của họ.
(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: Ngài nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”” Hai điều chính Chúa muốn nhấn mạnh:
+ Sứ vụ của Ngài là đến chữa lành những tội nhân: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa có đủ bản lãnh để hoán cải những tâm hồn chai đá.
+ Tất cả mọi người đều có tội và đều cần đến Chúa, chứ không phải chỉ có Matthew và bạn bè của ông. Các biệt-phái không chịu cẩn thận xét mình, nên họ nghĩ họ không cần Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải cố gắng sống đúng với ơn gọi là Kitô hữu và ơn gọi riêng của mỗi người. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta có bổn phận bảo vệ sự hiệp nhất của mọi thành phần.
– Chúng ta phải có lòng thương xót mọi người. Đừng bao giờ giam hãm anh/chị/em trong ngục từ tội lỗi; nhưng luôn cho họ cơ hội và mời gọi họ hướng tới tương lai.