Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Bảy – Tuần 28 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Eph 1:15-23; Lk 12:8-12.
1/ Bài đọc I:15 Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh,
16 tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.
17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người.
18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh,
19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực,
20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.
21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.
22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh;
23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
2/ Phúc Âm:8 “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.
11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu.
Khi phải đương đầu với những khó khăn sẽ xảy đến trong tương lai, chúng ta sẽ rất lo sợ nếu chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra vì không biết phải đối phó thế nào; nhưng nếu chúng ta biết trước phần nào những gì sẽ xảy ra, chúng ta sẽ an tâm hơn vì biết mình sẽ phải làm gì. Khởi đầu Chương 1 của Thư Êphêsô, tác giả muốn cho các tín hữu hiểu rõ mục đích của đời người và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để con người vững dạ an lòng khi phải đối phó với những gì sẽ xảy ra trên thế gian này. Trước khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã có sẵn một mục đích cho con người là được hưởng hạnh phúc và vinh quang với Người muôn đời. Mục đích này đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người; nhưng con người có tự do để đi đến mục đích đó hay không. Khi quỉ dữ cám dỗ con người xa rời mục đích bằng cách bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, Ngài cũng đã có sẵn một kế hoạch để chuộc tội cho con người qua cái chết của người con một của Ngài là Đức Kitô. Quỉ dữ không thể làm gì để vô hiệu hóa mục đích và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng chỉ có thể cám dỗ những người có tự do muốn đi theo đường của chúng mà thôi. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa còn ban cho con người Thánh Thần của Ngài để chiến đấu với những chước cám dỗ của ba thù. Thánh Thần giúp cho con người nhận ra sự thật và tình yêu của Thiên Chúa để con người có thể đáp trả lại tình yêu và làm chứng cho Ngài. Nếu con người biết theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, con người sẽ không lạc vào đường sai trái của quỉ dữ. Ngay cả khi phải mang ra trước tòa của thế gian, Thánh Thần như một trạng sư, sẽ giúp con người phải nói và hành xử thế nào cách xứng hợp với địa vị con Thiên Chúa của con người. Ngay cả việc hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin cũng là việc xứng đáng cần làm cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vai trò của Chúa Thánh Thần
1.1/ Trong đời sống của các tín hữu: Thánh Thần giúp các tín hữu nhận biết Đức Kitô và những lời giảng dạy của Ngài:
Đọan văn chúng ta tìm hiểu hôm nay rất khó dịch từ nguyên bản Hy-lạp vì: (1) các tư tưởng nối tiếp nhau, (2) lẫn lộn của chủ từ (Chúa Cha, Chúa Con, hay Chúa Thánh Thần), và (3) việc xử dụng rất nhiều của sở hữu. Vì thế, để hiểu đúng ý tác giả, chúng ta cần chú ý tới cách cấu trúc câu, túc từ trực tiếp, danh từ sở hữu, và túc từ gián tiếp; một đôi khi chúng ta phải hy sinh cách dịp văn chương để bảo đảm sự diễn tả chính xác của tác giả.
Sau khi tạ ơn Thiên Chúa cho các tín hữu của ngài, Thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người Cha vinh hiển, ban cho các tín hữu 2 điều:
(1) Ban Thánh Thần của khôn ngoan và của mặc khải để các tín hữu nhận biết Người (Đức Kitô). Nhiều người sẽ tranh luận ở đây nên dịch “pneuma” là thần trí hay là Thánh Thần. Thiết tưởng không quan trọng lắm, vì sứ vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, Ngài soi sáng cho các tín hữu để họ hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Một khi hiểu biết những lời này, họ cũng sẽ hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô hơn.
(2) Soi lòng mở trí các tín hữu để nhận thức 3 điều quan trọng:
– đâu là niềm hy vọng của ơn gọi mà Người dắt anh em tới: Niềm hy vọng quí giá nhất trong đọan văn hôm qua là được trở nên “nghĩa tử của Thiên Chúa.”
– đâu là sự phong phú của vinh quang của gia nghiệp Ngài giữa dân thánh: Một khi đã trở nên con là được thừa hưởng gia nghiệp của cha: các ân sủng và cuộc sống đời đời.
– đâu là sự lớn lao vô cùng của quyền lực của Ngài giữa chúng ta là những người tin, dựa theo hiệu quả của sức mạnh của quyền năng Ngài, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời: Quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Qua biến cố này, tử thần bị tiêu diệt, tội lỗi con người được tha thứ, con người có thể được hưởng nhan thánh Chúa.
Để các tín hữu nhận ra những điều này, lại một lần nữa họ phải nhờ Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí. Dĩ nhiên, quyền ban là quyền của Chúa Cha, nhưng người thi hành nhiệm vụ là Chúa Thánh Thần. Con người không thể hiểu nổi những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô nếu Chúa Cha không ban Thánh Thần và nếu Thánh Thần không soi lòng mở trí.
1.2/ Tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh: Chiến thắng của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho con người tất cả các đặc quyền; nhưng để các đặc quyền này được lan rộng tới mọi người, Chúa Kitô cần sự cộng tác của Hội Thánh. Thư Êphêsô có những lời dạy đặc biệt về Hội Thánh. Trong hai câu cuối cùng hôm nay, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy vai trò của Giáo Hội trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”
Những tư tưởng này cũng được nói tới chi tiết hơn trong Thư Côrintô I: Chúa Kitô là Đầu, Thân Thể là Hội Thánh, mọi người là những chi thể của Thân Thể Đức Kitô. Hội Thánh làm cho Kế Họach Cứu Độ được lan rộng tới mọi người bằng việc tiếp tục rao giảng và cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho mọi người nhận thức được 3 điều quan trọng nêu trên, để mọi người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô và xứng đáng lãnh nhận ơn Cứu Độ.
2/ Phúc Âm: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân
2.1/ Cuộc sống của con người ở đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa: Cũng giống như những suy luận trên, mục đích của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng lời rao giảng và các việc làm. Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu tòan hay không chu tòan sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”
2.2/ Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).
Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.
2.3/ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Thánh Thần được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan, và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.
– Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.