Thứ Bảy – Tuần 6 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần 6 – TN1 – Năm lẻ

 

Bài đọc: Heb 11:1-7; Mk 9:2-13.

1/ Bài đọc I: 1 Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.

2 Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.

3 Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có.

4 Nhờ đức tin, ông A-ben đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao quý hơn hy lễ của ông Ca-in: nhờ tin như vậy, ông A-ben đã được chứng nhận là người công chính, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận những lễ phẩm ông dâng. Và cũng nhờ tin như thế, mà tuy đã chết rồi, ông vẫn còn lên tiếng.

5 Nhờ đức tin, ông Kha-nốc được đem đi nơi khác để khỏi chết, và người ta không tìm thấy ông nữa, bởi vì Thiên Chúa đã đem ông đi. Quả thật, Kinh Thánh chứng nhận rằng: trước khi được đem đi, ông đã làm đẹp lòng Thiên Chúa.

6 Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.

7 Nhờ đức tin, ông Nô-ê được Thiên Chúa báo cho biết những gì người ta chưa thấy; vì có lòng kính sợ Thiên Chúa, ông đã đóng một chiếc tàu để cứu gia đình ông. Tin như thế là ông đã lên án thế gian, và được phần gia nghiệp là sự công chính nhờ đức tin.

2/ Phúc Âm: 2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.

3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.

4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.

5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.

7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

11 Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?”

12 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?

13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Thiên Chúa đòi chúng ta chấp nhận đường lối của Ngài.

Niềm tin đòi hai chiều: Nếu chúng ta tin những gì người khác nói là thật, chúng ta phải làm những điều họ nói; chúng ta không thể “nói một đàng, làm một nẻo.” Ví dụ, vợ nói là tin chồng; nhưng lúc nào cũng đi sát bên chồng để xem chồng có thực sự chung thủy với mình hay không! Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa cũng thế: tin Thiên Chúa là phải giữ những gì Ngài truyền.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong niềm tin vào Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do Thái nhắc lại những chứng nhân đức tin trong lịch sử: Abel, Enoch, và Noah. Các ông tin Thiên Chúa và làm tất cả những gì Ngài truyền, dù Ngài có mặt hay không có mặt. Nhờ đức tin vào Thiên Chúa, các nhân vật này đã được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng với những gì họ đã hy vọng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Tabor để cho họ nhìn thấy vinh quang đích thực của Ngài với các nhân nhứng lừng danh của Cựu Ước, Moses và Elijah. Mục đích của việc biến hình là để các ông tin Ngài là Thiên Chúa; và sẵn sàng chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin Thiên Chúa là thực hành những gì Ngài truyền.

1.1/ Niềm tin vào Thiên Chúa: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” Khi Thiên Chúa hứa một sự gì cho các tiền nhân, điều đó chưa xảy ra; nhưng các tiền nhân vẫn tin vào điều Thiên Chúa hứa, và làm những gì Ngài truyền, vì họ biết nó sẽ xảy ra. Chính vì niềm tin biểu lộ qua hành động, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có.”

1.2/ Các nhân chứng đức tin trong lịch sử: Tác giả dùng các nhân chứng này để khuyến khích các tín hữu mạnh dạn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng nói gì có vậy. Những nhân vật lịch sử này không nghi ngờ những gì Thiên Chúa nói; nhưng luôn sống mối liên hệ với Thiên Chúa và làm tất cả những gì Ngài truyền.

(1) Ông Abel: là em ông Cain. Khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa, ông đã chọn những của lễ béo tốt và tinh tuyền nhất dâng cho Thiên Chúa, vì ông yêu mến Ngài; chứ không làm cho qua lần chiếu lệ như Cain. Khi thấy lễ vật của mình không được Thiên Chúa đóai nhìn, thay vì xét lại lý do tại sao Thiên Chúa không đóai nhìn, Cain đã “giận cá chém thớt,” và ông đã giết em ngòai đồng. Máu của em ông bị đổ ra đã kêu thấu đến Thiên Chúa và Ngài đã sửa phạt Cain nặng nề.

(2) Ông Enoch: “Nhờ đức tin, ông Enoch được đem đi nơi khác để khỏi chết, và người ta không tìm thấy ông nữa, bởi vì Thiên Chúa đã đem ông đi. Quả thật, Kinh Thánh chứng nhận rằng: trước khi được đem đi, ông đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.”

(3) Ông Noah: và gia đình là những người sống sót sau Lụt Hồng Thủy vì ông luôn tin nơi Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy. Khi được Thiên Chúa truyền phải đóng một chiếc tàu lớn, ông đã mau mắn thi hành, dù bị mọi người chế nhạo. Nhờ đó, khi Lụt Hồng Thủy xảy ra và tiêu diệt tất cả nhân lọai, chỉ một mình gia đình ông còn sót lại.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình trước mặt 3 môn đệ.

2.1/ Những gì xảy ra khi Chúa biến hình:

(1) Chúa Giêsu đàm đạo với ông Elijah cùng ông Moses: Elijah đại diện cho các tiên tri, và Moses đại diện cho Lề Luật. Họ đàm đạo về điều gì? Dựa vào câu hỏi của các tông-đồ bên dưới: “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì,” chúng ta có thể đóan được họ nói về Cuộc Thương Khó sắp tới và sự sống lại từ cõi chết của Người. Trình thuật của Luca nói rõ: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Jerusalem” (Lk 9:31).

(2) Tiếng của Thiên Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Tiếng này đã được nói lần nhất khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan. Lời của Chúa Cha ở đây xác tín Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu sắp trải qua, và nhắn nhủ các tông-đồ tin vào những gì Chúa Giêsu nói với họ.

2.2/ Mục đích của việc biến hình: không những là để các môn đệ tin Ngài là Đấng Thiên Sai, mà còn tin Ngài phải ngang qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người. Các tông-đồ dễ chấp nhận điều thứ nhất hơn là điều thứ hai, như chúng ta sẽ thấy phản ứng của họ trong 3 lần Chúa nói về Cuộc Thương Khó của Ngài.

(1) Sống lại từ cõi chết: “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.” Tại sao Chúa Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe Cuộc Biến Hình? Một lần nữa, điều này làm sáng tỏ lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai” của Marcô. Truyền thống Do-Thái không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ, nhất là phải chịu chết để chuộc tội cho con người. Họ có thể kể lại điều này sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, như một bằng chứng: những gì Ngài đã nói đều được ứng nghiệm.

(2) Elijah đã đến: Các ông hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Elijah phải đến trước?” Người đáp: “Đúng thế, ông Elijah đến trước để chỉnh đốn mọi sự, Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elijah đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

Chúa Giêsu có ý nói về Gioan Tẩy Giả và sự cầm tù cùng cái chết của ông bởi tay Vua Herode. Ngài cũng có ý nói cho các tông-đồ biết, nếu họ đã đối xử như thế với người dọn đường, họ cũng đối xử với Ngài, Đấng Thiên Sai, như vậy.

Mặc dù Chúa Giêsu đã cho các tông đồ nhìn thấy và cắt nghĩa các ông tường tận, nhưng rất khó cho các môn đệ chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ; vì không những các ông tin vào truyền thống, mà còn như hầu hết con người: không ai muốn theo con đường đau khổ cả!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tin nơi Thiên Chúa đòi chúng ta phải thực hành những gì Ngài truyền. Nếu chúng ta nói tin vào Chúa và không thực thi những gì Thiên Chúa dạy, sự thật không có trong chúng ta.

– Rất nhiều lần chúng ta không thực hành những gì Thiên Chúa dạy, vì đó không phải là điều chúng ta mong muốn; nhưng làm theo những gì Thiên Chúa muốn sẽ đem lại kết quả tốt cho chúng ta.

– Những lúc nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa, chúng ta hãy noi gương các chứng nhân trong lịch sử: tổ phụ Abraham, Abel, Noah, Thánh Giuse, Đức Mẹ, Thánh Phaolô… Tất cả những gì Thiên Chúa hứa đều đã được thực hiện.

Skip to content