Thứ Hai – Tuần 25 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần 25 – TN2

 

Bài đọc: Prov 3:27-34; Lk 8:16-18.

1/ Bài đọc I: Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành

cho ai đáng được hưởng.

Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói :

“Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh.”

Đừng mưu hại tha nhân,

hại người đang cùng con sống yên ổn.

Đừng cãi cọ với ai vô cớ,

khi họ chẳng làm gì để hại con.

Chớ phân bì với ai tàn bạo,

đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.

Vì đối với ĐỨC CHÚA, kẻ gian tà là đồ ghê tởm;

còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao.

ĐỨC CHÚA giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác,

nhưng tuôn đổ phúc lành

trên nơi ở của những người chính trực công minh.

Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng,

nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.

2/ Phúc Âm: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.

Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội lỗi và nhân đức.

Thánh Thomas Aquinas định nghĩa: “Nhân đức là những thói quen tốt có được nhờ kiên nhẫn tập luyện hằng ngày. Tội lỗi là những thói quen xấu bám vào con người vì khinh thường không chịu sửa ngay từ đầu.” Để sửa tội lỗi, cá nhân không chỉ lọai bỏ những thói quen xấu, nhưng còn cần phải tập luyện một nhân đức ngược lại với tội lỗi, ví dụ: nhân đức bác ái cho tội ích kỷ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những đức tính cần luyện tập và những tật xấu cần tránh.

Sách Châm Ngôn là tổng hợp những sự khôn ngoan của con người ở mọi nơi mọi thời qua kinh nghiệm của cuộc sống. Sách được viết bằng tiếng Hy-Lạp, sau thời gian lưu đày Babylon, có lẽ khỏang 500 BC, khi nền văn minh Ba-tư thống trị khắp vùng Cận Đông. Tác giả có lẽ đã góp nhặt lại và đặt nó trong sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Điều này có thể hiểu được vì dưới con mắt đức tin, tất cả khôn ngoan của con người đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì thế, để hiểu Sách Khôn Ngoan, người đọc không chỉ hiểu nó qua kinh nghiệm cuộc sống, nhưng còn phải hiểu nó theo những giáo huấn của Thiên Chúa.

(1) Lòng thương người: là trọng tâm của các tôn giáo Đông Phương. Đạo Phật được mệnh danh là Đạo Từ Bi. Tuy niềm tin của họ vào Chúa còn mơ hồ, nhưng họ tin “ở hiền gặp lành.” Vì thế, cần phải làm việc lành để được Trời chúc phúc. Tục ngữ Việt-Nam dạy: “Thương người như thể thương thân.” Sách Châm Ngôn dạy: “Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: “Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh.”” Chúa Giêsu cũng tổng hợp mọi điều răn trong hai giới răn “mến Chúa yêu người.” Sở dĩ phải cho ngay vì con người thường có khuynh hướng tiếc của; nếu không cho ngay con người sẽ tìm ra nhiều lý do để không cho nữa.

(2) Tránh điều ác: Song song với việc làm phúc, con người còn phải tránh hết sức để đừng làm thiệt hại tha nhân vì “ác giả ác báo.” Sách Châm Ngôn dạy: “Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ ghen tị với kẻ hung dữ, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.” Sống an bình với những người chung quanh là điều kiện để cuộc sống của mình được bình an hạnh phúc. Một khi mình quấy phá sự bình an của họ thì họ cũng chẳng để cho mình được bình an. Đối với kẻ hung dữ, cách tốt nhất là tránh xa họ vì họ có thể gây thiệt hại và khuấy động cuộc sống của mình.

(3) Con người tốt lành không chỉ có quan hệ tốt với tha nhân mà còn có quan hệ tốt với Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn đề cập tới hai nhân đức quan trọng:

– Công minh chính trực là sống thành thật với mọi người: “Vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao. Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh.”

– Khiêm nhường là nhận ra chỗ đứng của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Người khiêm nhường nhận ra những gì mình có được là quà tặng Chúa ban và không bao giờ dám khinh thường tha nhân vì “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.”

2/ Phúc Âm: Cuộc sống của Kitô hữu.

Đọan Phúc Âm tuy rất ngắn nhưng cho chúng ta 3 tư tưởng chính tương ứng với 3 câu:

(1) Đời sống của Kitô hữu là làm gương sáng cho mọi người chung quanh. Chúng ta có thể rao giảng bằng Lời Chúa hay bằng chính cuộc sống của chúng ta. Điều mong ước nhất là làm sao cho có cả hai như tục ngữ Việt Nam dạy: “Lời nói phải đi đôi với hành động.” Nếu không được cả hai, rao giảng bằng việc làm vẫn hữu hiệu hơn; vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Nhưng có người lại cho rằng Chúa đã từng sửa trị các Kinh-sư và Biệt-phái về tính phô trương làm việc lành của họ; vì thế không nên làm điều tốt trước mặt mọi người. Đúng, nhưng có sự khác biệt giữa làm việc tốt trong thinh lặng và khua chiêng trống khi làm việc tốt cho người khác biết.

(2) Đời sống của Kitô hữu là biết sống thành thật: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.” Có 3 trường hợp con người muốn che giấu: Con người có thể giấu chính mình bằng cách không chấp nhận sự thật. Ví dụ, biết mình có tội nhưng vẫn cứ tìm lý do để tự biện hộ cho mình và không coi đó là tội. Con người có thể giấu tha nhân, nhưng con người sẽ không hạnh phúc vì lúc nào cũng lo sợ bị người khác khám phá. Sau cùng, có người nghĩ họ có thể giấu được Thiên Chúa như trường hợp của Cain khi Chúa hỏi “Em ngươi đâu?”

(3) Đời sống Kitô hữu là cuộc sống không ngừng cố gắng để trở nên hòan thiện, “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” Điều này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp: Trong lãnh vực tri thức nhất là ngọai ngữ: Nếu cố gắng trau dồi mỗi ngày thì khả năng sinh ngữ sẽ mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, nhưng nếu không dùng tới thường xuyên, vốn liếng đã có sẽ từ từ tàn lụi đi và mất hẳn. Trong lãnh vực đức tin cũng thế như Chúa đã ví việc nghe và thực hành Lời Chúa như người xây nhà trên đá: Nếu cố gắng sống đức tin theo những gì Chúa dạy, thì đức tin mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời; nhưng nếu lười biếng không chịu thực hành đức tin, thì đức tin sẽ mỗi ngày một tàn lụi đi và sẽ bị bão táp cuốn đi như người xây nhà trên cát.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nguyên tắc căn bản của luân lý là “làm lành lánh dữ” trong cách đối xử với tha nhân. Chúng ta phải tập cho có thói quen làm việc lành và tránh xa điều gian ác để có sự bình an trong tâm hồn và trở nên bạn tâm giao với Chúa.

– Chúng ta đã lãnh nhận ngọn nến cháy sáng khi chịu Bí-tích Rửa Tội và đã hứa trước mặt Hội Thánh sẽ giữ ngọn đèn cháy sáng mãi cho tới ngày ra đón Chúa Kitô khi Ngài trở lại. Ngọn đèn sáng là đức tin của chúng ta: Nó phải luôn tỏa gương sáng cho mọi người chung quanh bằng cuộc sống tốt lành và thành thật. Nó cũng phải được luôn tăng trưởng mỗi ngày để có thể đứng vững trước mọi thử thách đau khổ của cuộc đời. 

Skip to content