Thứ Năm – Tuần 25 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Năm – Tuần 25 – TN2

Bài đọc: Eccl 1:2-11; Lk 9:7-9.

1/ Bài đọc I: Ông Qô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.

Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ? Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: “Coi đây, cái mới đây này!”, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.

2/ Phúc Âm: Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lẫn lộn!

Có biết bao nhiêu những lẫn lộn trong cuộc đời: lẫn lộn giữa vàng thật và vàng giả, giữa sự thật và sự dối trá, giữa người lương thiện và kẻ ác nhân… Đã không biết bao lần chúng ta đã phán đóan sai lầm vì không học được chữ ngờ! Bài đọc I hôm nay tập trung trong các lẫn lộn về cuộc đời. Phúc Âm tường thuật những lẫn lộn của nhiều người và của tiểu vương Hêrôđê về Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lẫn lộn về cuộc đời: Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời?

(1) Ông Qôhelét mở đầu sách bằng nhận xét của ông về cuộc đời: “Phù vân của mọi phù vân. Phù vân của mọi phù vân. Tất cả là phù vân.” Chữ “phù vân” dịch từ tiếng Do Thái (hebel), có nghĩa là hơi nước hay hơi thở. Chúng thóat ra ngòai, bay lên không, rồi tự tan biến vào không gian mà không ai thấy. Tiếng Hy-Lạp của bản LXX là “mataiothê,” có nghĩa hư ảo hay không có giá trị gì cả. Cuộc đời của con người dường như cũng thế: mỗi người có mặt trên dương gian trong khỏang một thời gian, cố gắng tạo cho mình một cái gì đó, nhưng rồi cũng qua đi chẳng để lại một vết tích gì cả.

(2) Kết luận trên đến từ những quan sát tỉ mỉ của ông Qôhelet về cuộc đời con người và các biến chuyển của thiên nhiên trong vũ trụ:

– Con người ra sức làm việc để tạo cho mình có một tài sản, nhưng khi xuôi hai tay nằm xuống thì có mang được gì đâu; tất cả đều phải để lại cho người khác hưởng. Con người qua các thế hệ nối tiếp nhau qua đi, nhưng tài nguyên vẫn tồn tại trong thế giới.

– Các biến chuyển của thiên nhiên trong trời đất: “Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía Nam, rồi xoay về phía Bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.”

– Chẳng có gì mới lạ dưới ánh mặt trời vì tất cả đều là bổn cũ sọan lại như lời Qôhelet nhận xét: “Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.”

Nêu lên tất cả các nhận xét trên đây, ông Qôhelet có mục đích giúp mỗi người chúng ta dừng lại để đặt câu hỏi cho những gì chúng ta đang theo đuổi. Câu hỏi tối quan trọng cho mọi người: Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời? Chắc chắn ý nghĩa của cuộc đời không hệ tại ở chỗ có tài sản vì tất cả rồi cũng qua đi. Ý nghĩa của cuộc đời cũng không hệ tại ở chỗ tìm ra các điều mới lạ, vì cái gì con người tưởng mới đã xảy ra trong lịch sử; và con người chẳng làm thay đổi được những gì đã có sẵn trong thiên nhiên. Ý nghĩa của cuộc đời cũng chẳng hệ tại ở chuyện lưu danh cho hậu thế, vì tất cả các việc làm dù có tốt đến đâu rồi cũng bị rơi vào quên lãng.

2/ Phúc Âm: Tiểu Vương Hêrôđê lẫn lộn về Chúa Giêsu: từ chỗ muốn được gặp đến chỗ khinh thường sau khi gặp.

Tiểu vương Hêrôđê Antipas là một trong 3 người con của Vua Hêrôđê Cả và bà Malthrace. Ông được vua cha cho cầm quyền hai vùng: Galilee và Perea. Trong Tân Ước, ông luôn được gọi là người đã tống ngục và chém đầu Gioan (Mat 14:3-12 = Mk 6:17-29; Ant 18.5.2) và chất vấn Chúa Giêsu khi Ngài ra tòa tại Jerusalem (Lk 23:6-12). Hai người con khác của ông là Philip và Archelaus. Philip là tiểu vương vùng phía Đông Jordan, từ Caesarea cho tới Bethabara. Archelaus là tiểu vương của Samaria và Judea.

(1) Ông nghe những người khác nói về Chúa Giêsu: Là tiểu vương của vùng Galilee, nơi mà Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và dùng đa số thời gian của Ngài trong 3 năm để rao giảng; chắc chắn ông đã nghe những lời đồn thổi rất nhiều về Chúa Giêsu. Có người nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy,” vì tính tình của Ngài cũng nhiệt thành và thẳng thắn như Gioan. Kẻ khác nói: “Ông Êlijah xuất hiện,” vì Ngài có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elijah. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại,” vì những lời rao giảng xác tín của Ngài. Nói tóm, tất cả mọi người đều nghĩ Chúa Giêsu là một con người đặc biệt, nhưng không ai nghĩ Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa từ trời xuống để ở với con người.

(2) Tiểu vương Hêrôđê băn khoăn suy nghĩ về Chúa Giêsu: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!” Nếu quả là Gioan từ cõi chết sống dậy thì tiểu vương Hêrôđê có lý do để khiếp sợ Gioan báo thù. Sau đó, ông tìm cách gặp Đức Giêsu để tìm hiểu về Ngài. Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, khi Tổng Trấn Philatô biết Chúa Giêsu là người Galilee, ông liền cho áp giải người đến với Tiểu Vương Hêrôđê, lúc đó cũng đang có mặt tại Jerusalem. Tin Mừng Luca tường thuật: “Khi Vua Hêrôđê thấy Đức Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hêrôđê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Philatô” (Lc 23:8-11).

Cho dẫu tiểu vương Hêrôđê có dịp gặp Chúa Giêsu nơi dinh quan Tổng Trấn Philatô, ông vẫn không nhận ra Chúa là ai, vì ông sống và hành động hòan tòan theo tính xác thịt của con người; nhất là khi thấy Chúa bị đối xử như một tử tội. Ông khác với thánh Phêrô là người được Thiên Chúa soi sáng cho biết đích thực Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để biết nhìn đúng và tránh được lẫn lộn, chúng ta đừng chỉ nhìn hời hợt bề ngòai, nhưng phải nghiên cứu và tìm tòi cho đến nơi; nhất là câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời.

– Chúng ta cần chính mình tìm hiểu về Chúa và rút ra kết luận như thánh Phêrô, chứ không chỉ nghe người khác nói lại về Chúa như tiểu vương Hêrôđê.

– Tất cả mọi sự trên đời là phù hoa. Chỉ có một điều vững bền muôn đời là Thiên Chúa. Chỉ có một nguồn Sự Thật đã được mặc khải là qua Đức Kitô, chúng ta biết về Thiên Chúa và về mọi sự xảy ra trong vũ trụ trong mối tương quan với Thiên Chúa. 

Skip to content