Thứ Sáu – Tuần 25 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Sáu – Tuần 25 – TN2

Bài đọc: Eccl 3:1-11; Lk 9:18-22.

1/ Bài đọc I: Ở dưới bầu trời này,

mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

một thời để chào đời, một thời để lìa thế;

một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;

một thời để giết chết, một thời để chữa lành;

một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;

một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;

một thời để than van, một thời để múa nhảy;

một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;

một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;

một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi;

một thời để xé rách, một thời để vá khâu;

một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;

một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;

một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

2/ Phúc Âm: Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

Sống trong trần gian, con người cảm thấy khả năng hạn hẹp của mình vì bị lệ thuộc vào trời đất, thời gian, hòan cảnh, và môi trường sinh sống. Nếu biết trước và họach định làm sao cho phù hợp với các yếu tố này, con người sẽ thành công; nếu không, sẽ nắm chắc phần thất bại. Khác hẳn với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời đúng lúc vì Ngài biết mọi sự và không bị tùy thuộc vào bất cứ một yếu tố nào. Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng những ví dụ cụ thể về hai sự khác biệt này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thời nào việc đó. Chìa khóa thành công: phải biết 4 đúng: đúng thời, đúng nơi, đúng người, đúng chất liệu.

1.1/ Con người cần phải biết làm việc hợp thời đúng lúc để đạt được kết quả mong muốn. Người Việt-Nam chú trọng đến 3 yếu tố cần phải có để bảo đảm thành công trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc đời: thiên thời – địa lợi – nhân hòa; nếu thiếu một trong 3 yếu tố sẽ nắm chắc thất phần bại.

(1) Thiên thời: là thời gian của Trời. Con người cần phải biết thời gian của Trời qua các hiện tượng và trật tự trong trời đất: nắng, mưa, gió, tuyết, xuân, hạ, thu, đông. Để dễ hiểu, chúng ta lấy một ví dụ về nông nghiệp: Biết những điều này sẽ giúp con người biết phác họa kế họach khi nào cầy đất, khi nào gieo mạ, khi nào cấy, bao lâu phải chờ đợi, và khi nào phải gặt. Người không hiểu biết thời gian của trời sẽ gieo khi phải gặt, và vì thế đã đi sai với thời gian của Trời, làm sao có kết quả được? Hơn nữa, con người còn cần phải kiên nhẫn chờ đợi sau khi đã gieo trong một thời gian cần thiết: không thể gặt sớm quá hoặc để lâu quá. Gặt sớm quá sẽ chưa đủ chín và để lâu quá sẽ ủng thối.

(2) Địa lợi: là cơ hội xảy đến với con người trên thế gian. Vẫn theo ví dụ về nông nghiệp, nếu con người mua được mảnh đất tốt: nằm chỗ không cao quá để khỏi bị khô cằn, không sâu quá để khỏi bị lụt lội. Rồi còn phải tùy thuộc vào phân bón, thuốc diệt sâu rầy… Nếu con người không biết nắm lấy những cơ hội xảy đến trong cuộc đời để biết cách đầu tư cho hợp thời thì cũng sẽ không thành công.

(3) Nhân hòa: là lòng người hòa thuận. Con người phải biết cách cư xử sao cho hợp tình, hợp lý, và hợp nơi chốn. Không thể cười nơi đám ma và khóc trong đám cưới như Sách Giảng Viên dạy: “một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy.” Hơn nữa, con người nào phải áp dụng cách cư xử đó; không thể áp dụng một cách cư xử cho hết mọi người. Sách Giảng Viên dạy: “một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.” Lòng người rất phức tạp và thay đổi. Nếu không biết cư xử sao cho phù hợp lòng người cũng nắm chắc phần thất bại.

1.2/ Trái với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời và đúng lúc vì Ngài không lệ thuộc vào thời gian và thời gian của con người nằm trong tay của Ngài. Ngài cũng chẳng bị tùy thuộc vào cơ hội vì Ngài biết tất cả những gì xảy ra và Ngài tạo cơ hội cho con người. Ngài không bị lệ thuộc vào con người nhưng tất cả mọi người phải tùy thuộc nơi Ngài. Tác giả của Sách Giảng Viên xác quyết: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.”

2/ Phúc Âm: Đúng người: Thánh Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô!

Câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” không phải chỉ quan trọng cho Tiểu Vương Hêrôđê mà còn quan trọng hơn cho các Tông Đồ, những người đang theo Chúa Giêsu. Nếu các Tông Đồ không biết đúng Ngài là ai thì làm sao các ông có thể tiếp tục sứ vụ của Chúa ở trần gian sau khi Chúa Giêsu từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha? Nhất là khi các ông phải đối diện với những đau khổ và cái chết sắp tới của Ngài. Trình thuật của Luca đặt câu hỏi này trong bối cảnh Chúa cầu nguyện một mình, Ngài cầu xin Thiên Chúa để các Tông Đồ biết nhận ra Ngài là ai.

2.1/ Câu hỏi đầu tiên Chúa đặt cho các ông: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlijah, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Tất cả những câu trả lời này tuy có nói lên được sự tôn kính và uy quyền của Chúa, nhưng vẫn không phải là câu trả lời Chúa mong muốn, vì những nhân vật này chỉ là những người dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới mà thôi. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn câu hỏi thứ nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Đây mới thực sự là câu trả lời Chúa Giêsu muốn nghe, vì các ông biết đích xác Ngài là Đức Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua. Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai, vì người Do-Thái đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác với những gì Ngài sắp mặc khải cho các Tông Đồ.

2.2/ Kế họach cứu độ của Thiên Chúa: Các Tông Đồ không chỉ cần biết Chúa Giêsu là ai, mà còn cần phải biết kế họach cứu độ của Thiên Chúa, vì cuộc Thương Khó của Ngài sắp diễn ra tại Jerusalem. Như những người Do-Thái khác, các ông đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ đánh dẹp tất cả các kẻ thù của người Do-Thái, cai trị họ trong công lý, và triều đại của Người sẽ vô tận. Nhưng kế họach cứu độ của Thiên Chúa thì rất khác với dân, Chúa Giêsu tiên báo cho các ông cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài lần đầu tiên: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chúng ta sẽ thấy trong các chương sau, không dễ cho các Tông Đồ hiểu và chấp nhận kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường Thập Giá.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để đạt được kết quả như lòng mong ước, con người cần phải biết và làm đúng thời gian, đúng nơi chốn, và hợp lòng người.

– Để đạt được mục đích của cuộc đời, chúng ta cần biết Chúa Giêsu là ai, hiểu những gì Ngài mặc khải, và làm những gì Ngài truyền. 

Skip to content