Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Tu Tuan 25 TN.mp3{/audio}
Thứ Tư – Tuần 25 – TN1 – Năm lẻ.
Bài đọc: Ezr 9:5-9; Lk 9:1-6.
1/ Bài đọc I:5 Vào giờ đó, tôi mới ra khỏi cơn sầu khổ, trỗi dậy; áo dài trong, áo choàng ngoài xé rách, tôi quỳ gối, giơ tay lên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tôi 6 và thưa:
“Lạy Thiên Chúa của con, con thật xấu hổ thẹn thùng khi ngẩng mặt lên Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì tội chúng con quá nhiều, đến nỗi ngập đầu ngập cổ, lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời.
7 Từ thời tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại bang; chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt hổ ngươi như ngày hôm nay.
8 Và bây giờ, chỉ mới đây, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng con, ban cho chúng con ân huệ này là để lại cho chúng con một số người sống sót, và cho chúng con được một chỗ ở vững chắc trong nơi thánh của Ngài; như thế, Thiên Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời, và làm cho chúng con được hồi sinh đôi chút trong cảnh nô lệ.
9 Tuy chúng con là những kẻ nô lệ, Thiên Chúa chúng con đã không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ đó. Ngài đã làm cho các vua Ba-tư tỏ lòng thương yêu chúng con, khiến chúng con được hồi sinh mà dựng lại Nhà Thiên Chúa chúng con, tái thiết ngôi Nhà đã hoang tàn, và xây lại tường thành tại Giê-ru-sa-lem ở Giu-đa.
2/ Phúc Âm: Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.
3 Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.
4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.
5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra tình thương Thiên Chúa và tội lỗi của mình.
Có những người ngông cuồng, chẳng chịu vâng lời những gì Thiên Chúa dạy bảo, nhưng khi phải chịu hậu quả, thì lại đổ lỗi cho Thiên Chúa không thương xót và trách mắng Ngài đủ điều. Làm như thế, chẳng những họ vẫn phải mang hậu quả, mà còn càng ngày càng lấn sâu trong tội lỗi. Nhưng nếu họ biết kiểm điểm quá khứ, họ sẽ nhận ra tội lỗi của họ và tình thương Thiên Chúa. Ngài luôn cho họ cơ hội trở về để làm lại cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay có mục đích giúp con người nhận ra tội lỗi mình và tình thương Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tư tế Ezra nhận ra tội lỗi của mình, của cha ông, và của mọi con cái Israel thời đại ông, là nguyên do của việc lưu đày. Ông cũng nhận ra uy quyền và tình thương Thiên Chúa dành cho ông và con cái Israel, qua việc thay đổi lòng dạ của các vua Ba-tư để họ phóng thích dân Do-thái, cho hồi hương để tái thiết đất nước, và xây dựng lại Đền Thờ ở Jerusalem. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu huấn luyện các tông-đồ, ban mọi quyền hành cho các ông, và sai các ông ra đi để chữa lành và loan truyền Tin Mừng. Ai tin và đón nhận, sẽ nhận được ơn cứu độ và chữa lành; ai không tin, sẽ không được lãnh nhận những điều đó. Các tông-đồ sẽ phủi bụi ở chân lại để làm cớ tố cáo sự cứng lòng của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài trong cảnh nô lệ.
1.1/ Hình phạt phải chịu xứng đáng với tội lỗi của Israel: Lịch sử của sách Erza là Thời Lưu Đày của dân tộc Do-thái bên Assyria và Babylon. Trước Thời Lưu Đày, Thiên Chúa đã không ngừng gởi các ngôn sứ của Ngài đến sửa dạy và đe dọa lưu đày sẽ xảy ra, nếu họ cứng lòng không chịu ăn năn, hối cải. Hai tội mà các ngôn sứ không ngừng tố cáo là: (1) tội quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo thờ lạy các thần ngoại bang; (2) tội lỗi đức công bằng, tước đoạt tài sản và đối xử bất công với những người cô thân, cô thế. Họ chẳng những đã không chịu nghe, mà còn bắt giam các ngôn sứ, đánh đập, và giết đi. Hậu quả là Thiên Chúa để cho quân thù phá tan hoang đất nước, cả miền Bắc (721 BC) và miền Nam (587 BC), đem tất cả đi lưu đày, và san phẳng Đền Thờ.
Sống cực khổ trong Thời Lưu Đày, nhiều người vẫn chưa nhận ra tội lỗi của mình và trách Thiên Chúa đã để cho quân thù dày xéo dân tộc Thiên Chúa đã lựa chọn; nhất là quân thù cũng tội lỗi như họ hay còn hơn nữa! Nhưng tư tế Ezra đã không giống như những người này, ông nhận ra lý do tại sao Thiên Chúa để mặc cho quân thù dày xéo Israel. Trình thuật kể tâm trạng của ông: “Vào giờ đó, tôi mới ra khỏi cơn sầu khổ, trỗi dậy; áo dài trong, áo choàng ngoài xé rách, tôi quỳ gối, giơ tay lên Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi và thưa: “Lạy Thiên Chúa của con, con thật xấu hổ và nhục nhã khi ngẩng mặt nhìn Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì tội chúng con quá nhiều đến nỗi dâng ngập đầu, lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời.”
Không chỉ nhận ra tội lỗi của mình, của tổ tiên, và của tất cả mọi con cái Israel. Ông nhận thấy hình phạt mà dân tộc phải chịu là xứng đáng: “Từ thời tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại bang; chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt hổ ngươi như ngày hôm nay.”
1.2/ Ân huệ được nhận lãnh hoàn toàn do tình hương của Thiên Chúa.
(1) Thiên Chúa bày tỏ tình thương khi con người còn là tội nhân: Vua Ba-tư ký chiếu chỉ phóng thích cho dân Do-thái hồi hương để kiến thiết xứ sở và xây dựng lại Đền Thờ. Các Vua Ba-tư còn giúp đỡ vật chất để họ có thể xây dựng Đền Thờ cách nhanh chóng. Ezra nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong sự quan phòng kỳ diệu này: “Và bây giờ, chỉ mới đây thôi, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, ban cho chúng con ân huệ này là để lại cho chúng con một số người sống sót, và cho chúng con được một chỗ ở vững chắc trong nơi thánh của Ngài; như thế, Thiên Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời, và làm cho chúng con được hồi sinh đôi chút trong cảnh nô lệ.”
(2) Tình thương Thiên Chúa được bày tỏ qua các vua Dân Ngoại: Từ xưa tới nay, chẳng có vua Dân Ngoại nào đối xử tử tế với kẻ thù của mình; thế mà các vua Ba-tư đã phóng thích dân Do-thái, cho về hồi hương, và giúp vật chất để họ xây dựng lại Đền Thờ. Điều này chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa đã dành cho con cái Israel. Họ phải xấu hổ vì một người Dân Ngoại đã tuyệt đối vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa truyền; còn họ, dân riêng của Ngài, lại chạy theo các thần ngoại và luôn bất tuân lệnh Ngài: “Tuy chúng con là những kẻ nô lệ, Thiên Chúa chúng con đã không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ đó. Ngài đã làm cho các vua Ba-tư tỏ lòng yêu thương chúng con, khiến chúng con được hồi sinh mà dựng lại Nhà Thiên Chúa chúng con, tái thiết ngôi Nhà đã hoang tàn, và xây lại tường thành tại Jerusalem ở Judah.”
2/ Phúc Âm: Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.
2.1/ Ân sủng được Đức Kitô trao cho các môn đệ để ban phát cho mọi người: Trong khi còn ở thế gian, Chúa Giêsu không những vất vả ngược xuôi để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi vết thương hồn xác, Ngài còn chọn lựa các môn-đệ, huấn luyện để các ông tiếp tục sứ vụ của Ngài. Điều này chứng tỏ tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các thế hệ tương lai.
(1) Chữa lành mọi bệnh tật hồn xác: Trước khi sai các ông đi rao giảng cho dân chúng, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
(2) Rao giảng Tin Mừng: Rồi Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Chúa Giêsu dạy các môn đệ một điều hết sức quan trọng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” Tại sao Chúa Giêsu truyền điều này? Trước tiên, người lữ hành dễ dàng ra đi mọi nơi là người có ít hành trang nhất. Thời Chúa Giêsu và các thế kỷ đầu, con người chưa có phương tiện di chuyển như bây giờ, cách phổ thông nhất là đi bộ; con người cũng chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ, cách thức duy nhất là trực tiếp đến và nói với khán giả. Hơn nữa, nếu những nhà rao giảng quá chú trọng đến vật chất, họ sẽ có rất ít thời gian và lòng nhiệt thành cho việc rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Phản ứng của con người: Chúa Giêsu biết trước phản ứng của con người dành cho các môn đệ, như họ đã từng dành cho Ngài. Vì thế, Ngài căn dặn các ông:
(1) Những người tiếp nhận các môn đệ: “Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.” Nếu khán giả nhận ra các ông là những sứ giả của Ngài, họ sẽ đón tiếp các ông vào nhà và đối xử tử tế với các ông. Phần thưởng cho những người này là họ sẽ có dịp nghe Tin Mừng, được chữa lành các vết thương hồn xác, và có sự bình an.
(2) Những người từ chối các môn đệ: Con người có tự do để tiếp nhận hay từ chối. Nếu họ chọn không đón nhận các môn đệ, họ sẽ phải lãnh mọi hậu quả của việc từ chối: họ đã bỏ lỡ cơ hội được lắng nghe Tin Mừng, được chữa lành, và không nhận được lời chúc bình an của các môn đệ. Đối với những người cứng lòng này, Chúa Giêsu căn dặn: “Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa luôn yêu thương và cho chúng ta nhiều cơ hội để lắng nghe và học hỏi Tin Mừng. Chúng ta hãy biết thành tâm đón nhận và tận dụng khi cơ hội tới.
– Nếu chúng ta khinh thường và bỏ lỡ cơ hội, chúng ta phải lãnh nhận mọi hậu quả do việc hững hờ gây ra. Lúc đó, chúng ta đừng trách Thiên Chúa đã gây ra đau khổ cho chúng ta.